Hà Nội có thêm 20 dự án FDI mới trong tháng 4
(Chinhphu.vn) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 4, Thành phố có 20 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 103,9 triệu USD; có 14 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 57,4 triệu USD; có 27 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với số vốn đạt 15,5 triệu USD.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1.132 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 73 dự án với số vốn đạt 1.008 triệu USD; 47 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 79 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 65 lượt, đạt 45 triệu USD.
Cũng trong tháng 4, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.514 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24%; 758 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%; 1.878 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16%; 269 doanh nghiệp giải thể, giảm 13%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, Thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 9,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 97,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 4,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 10%; hơn 14,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 24%; có 1,4 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 12%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Dự kiến trong tháng 5 tới, Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hội nghị là dịp các cấp chính quyền Thành phố gặp mặt các doanh nghiệp; hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn, các nghệ nhân, đại diện các hội, hiệp hội làng nghề gặp mặt trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nhằm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.
Qua đây, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn; trao đổi, cung cấp thông tin, biện pháp, giải đáp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp; hợp tác xã, các cơ sở ngành nghề nông thôn gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời gian tới đạt hiệu quả cao.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền Thành phố đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách,… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Minh Anh