Hà Nội đa dạng công tác tuyên truyền trong việc thực hiện Đề án 06

07/03/2023 3:42 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và triển khai các mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến

Hà Nội đa dạng công tác tuyên truyền trong việc thực hiện Đề án 06 - Ảnh 1.

Chiến dịch 90 ngày đêm nhận được sự đồng lòng thực hiện của cả hệ thống chính trị phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (Đề án 06), thời gian qua, Ban Chỉ đạo 06 Thành phố đã ban hành 02 Kế hoạch tuyên truyền và chỉ đạo các các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về Đề án 06.

Triển khai kế hoach này, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn cơ quan báo chí Thành phố, cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền tập trung theo các nhóm nội dung: Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chip kết hợp với thu nhận hồ sơ định danh điện tử; trong đó tập trung thông tin rộng rãi đến người dân trên địa bàn Thành phố về nội dung đến hết ngày 31/12/2022, Sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực sử dụng, thẻ CCCD gắn chip điện tử được tích hợp các thông tin sẽ là giấy tờ để công dân thực hiện giao dịch thay thế Sổ hộ khẩu…; xây dựng file phát thanh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở với chủ đề "Hà Nội đi đầu trong việc triển khai, thực hiện Đề án 06, tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả phục vụ người dân".

Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức 02 Tọa đàm và phát sóng trên truyền hình tuyên truyền về Đề án 06 và dịch vụ công trực tuyến của Thành phố: "Tọa đàm pháp luật - Hà Nội đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử", "Hà Nội những góc nhìn - Nộp phạt vi phạm giao thông online - Minh bạch, hiệu quả"; xây dựng Chương trình "Chúng tôi là công dân số" phát sóng vào Thứ 7 hằng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (hiện đang là chương trình có tỷ số ratting đứng thứ nhất trong nhóm 10 chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội).

Thành phố cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các mô hình truyền thông kết hợp các kênh thông tin của các tổ chức, đoàn thể như Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành đoàn Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông để đưa nội dung về tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân;

Đồng thời, triển khai hướng dẫn cho đội ngũ Thanh niên tình nguyện biết, thành thạo các thao tác về đăng ký và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên các Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công Thành phố; tổ chức các chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hướng dẫn và hỗ trợ công dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công và lợi ích của việc sử dụng và đăng ký xác thực định danh điện tử cũng như các lợi ích của việc khai thác, chia sẻ dữ liệu dân cư từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Đề án 06 Chính phủ;…

Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, hiện nay, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và triển khai các mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (Mô hình Trụ sở tiếp dân kiểu mẫu tại các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC và Mô hình hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công tại các địa bàn Khu đô thị, khu chung cư cao tầng; khu, cụm công nghiệp và các khu dân cư không có điều kiện hoặc ít tiếp cận với các thông tin truyền thông)…

Các đơn vị trên địa bàn Thành phố cũng đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như đã thành lập các "Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" trên địa bàn Thành phố; các mô hình "Ngày thứ Sáu xanh", "Ngày thứ Ba không viết", "Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến", "Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24" tại các nhà văn hóa, các video clip do công chức cấp xã tự xây dựng để hướng dẫn công dân thực hiện TTHC…., Đoàn Thanh niên thực hiện các Chiến dịch ra quân hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến…

Nhiều cách làm hay, sáng tạo được nhân dân Thủ đô đồng tình, ủng hộ, như: Ban Chỉ đạo 06 quận Ba Đình triển khai phong trào "Vận động nhân dân tại các khu chung cư cao tầng, khách sạn trên địa bàn quận Ba Đình đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia"; Ban Chỉ đạo 06 quận Hà Đông đã gửi "Thư ngỏ" đến hơn 10 vạn hộ gia đình, người dân, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quận kính mong người dân trên địa bàn ủng hộ, đồng hành hưởng ứng, cài đặt, sử dụng ứng dụng VneID, đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; Công an quận Bắc Từ Liêm đã triển khai thực hiện mô hình điểm tại 01 Công an phường (Xuân Tảo) tập trung thực hiện các nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu của Đợt cao điểm về thu nhận hồ sơ căn cước công dân, định danh điện tử và hướng dẫn nhân dân cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng dịch vụ công trong 01 tuần, từ đó nhân rộng ra toàn quận;…

Minh Anh


Top