Hà Nội đẩy mạnh giải pháp để kịp giải ngân vốn đầu tư công 91,5%
(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong cả nước, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để giải ngân đầu tư công đến cuối năm đạt 91,5%.
Thúc đẩy tiến độ ngay từ đầu năm
Đến hết tháng 11/2023, Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công được trên 30.133 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch Trung ương giao (46.956 tỷ đồng) và 56,7% Kế hoạch Thành phố giao (53.105 tỷ đồng).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, để đẩy nhanh kế hoạch giải ngân ngay từ những ngày đầu năm 2023, UBND Thành phố đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản vào các quý, trong đó xác định nút thắt trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chính là giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án. Thành phố đã và đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện của các dự án, nâng cao kết quả giải kế hoạch đầu tư công.
Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các kế hoạch khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo đó, Hà Nội ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 được 48.600 tỷ đồng đạt 91,5% kế hoạch Thành phố giao và 103,5% Kế hoạch Trung ương giao.
Còn kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 giải ngân đến ngày 15/11/2023 được 1.884,8 tỷ đồng đạt 44,3% kế hoạch (4.256,6 tỷ đồng). Ước giải ngân đến hết năm được 4.020 tỷ đồng, đạt 94,4% kế hoạch.
Tại kỳ họp HĐND đầu tháng 12, Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong tháng cuối năm, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành theo kế hoạch được giao.
Do thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài còn rất ít, để đạt tiến độ theo yêu cầu, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị phải tập trung hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công.
Khó khăn vẫn chủ yếu là giải phóng mặt bằng
Theo UBND TP. Hà Nội, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đối với các dự án cấp Thành phố, có 83 dự án có khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (gồm 12 dự án vướng mắc do di chuyển mồ mả); 19 dự án vướng mắc tái định cư. Đối với các dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, có 17 dự án chỉ có ngân sách Thành phố hỗ trợ năm 2022 kéo dài sang năm 2023 và 30 dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ năm 2023 có khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án lĩnh vực di tích còn chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành cần phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên ngành: Dự án phải thiết kế 2 bước, phải xin ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định trước khi phê duyệt dự án và trước khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, dự bảo còn tiếp tục khó khăn trong các tháng cuối năm 2023 ảnh hưởng đến nguồn thu của cấp huyện và có tác động đối với các dự án đầu tư công cấp huyện và các dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ (đối với phần đối ứng của huyện, thị xã).
Trong phiên thảo luận tổ của kỳ họp HĐND đầu tháng 12, các đại biểu đã đề nghị UBND Thành phố cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm; trong đó các nhóm các dự án trọng điểm của Thành phố triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu theo cam kết của UBND Thành phố và chỉ đạo, giám sát của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Để đạt con số giải ngân 91,5%, Thành phố cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm của Thành phố và nâng cao tỷ lệ giải ngân của Thành phố; có đánh giá tổng thể về đầu tư công của Thành phố; trong đó cần có những chỉ đạo, định hướng lớn trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết đồng bộ cho toàn Thành phố chứ không phải chỉ riêng lẻ từng khu vực.
10 nhóm giải pháp để giải ngân đầu tư công đạt 91,5%
Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ 10 nhóm giải pháp để phấn đấu đầy mạnh hơn nữa kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, Thành phố đang huy động tối đa các nguồn lực, trọng tâm là đảm bảo nguồn lực ngân sách cho kế hoạch đầu tư công, đáp ứng nhu cầu bố trí kế hoạch vốn còn lại từ nay đến hết năm 2023.
Thành phố nhận thức, xác định công tác chuẩn bị đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Từ đó, tập trung, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong các tháng cuối năm: định kỳ hàng tháng, tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì cùng các sở chuyên ngành kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện của từng dự án, xác định các khó khăn, vướng mắc theo các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để chủ động giải quyết, tháo gỡ.
Nhận diện rõ vấn đề, rõ vướng mắc, rõ cấp có thẩm quyền giải quyết để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục; Thường xuyên có báo cáo các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị có liên quan trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc (đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung triển khai hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành Kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm; đồng thời với việc nghiên cứu, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn 2026-2030.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầuTăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt, năng lực của các chủ đầu tư trong triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư.
Xây dựng và đưa phần mềm, hệ thống thông tin quản lý dự án đầu tư trên địa bàn thành phố vào sử để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND Thành phố.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc Định kỳ hàng quý tổ chức giao ban xây dựng cơ bản tổng thể toàn Thành phố, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hoặc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ định kỳ hàng tháng giao ban chuyên để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối đề để với các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách (như về giải phóng mặt bằng, về thủ tục đầu tư, về đơn giá, định mức, về công bố giá,...) và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Các sở chuyên ngành tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề về: Quy hoạch, về chỉ giới đường đỏ, cấp phép phòng cháy chữa cháy cho các dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, điều chỉnh các dự án (nếu có), điều chỉnh dự toán giá gói thầu để các dự án kịp thời được hoàn thiện thủ tục, tiếp tục thực hiện không bị gián đoạn, đảm bảo tiến độ.
Gia Huy