Hà Nội đẩy mạnh số hóa hồ sơ và sử dụng hồ sơ điện tử
(Chinhphu.vn) - Thực hiện triệt để chủ trương “chuyển đổi số toàn diện” trong hoạt động của chính quyền thành phố, Hà Nội đang đẩy mạnh số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử, số hóa 100% thủ tục hành chính trong năm 2025.

Hà Nội đẩy mạnh việc sử dụng hồ sơ điện tử trên địa bàn - Ảnh: VGP/Gia Huy
Phấn đấu 80% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến năm 2025
Chuyển đổi số đã trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của Việt Nam, được cụ thể hóa qua Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).
Tại Hà Nội, Thành phố đã xác định số hóa hồ sơ và sử dụng hồ sơ điện tử là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu của Hà Nội là "lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo" trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
Điều này đòi hỏi các cơ quan hành chính phải tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu thời gian xử lý và tăng tính minh bạch. Trong năm 2024, thành phố đã đẩy mạnh việc tích hợp dữ liệu dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công thành phố, tạo nền tảng cho việc số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử.
Thành phố đã xây dựng và triển khai hệ thống văn phòng điện tử thống nhất, xuyên suốt từ cấp Thành phố đến cấp xã. Đến nay, hệ thống đã được triển khai tại trên 3.100 cơ quan, đơn vị và ba cấp, Thành phố thực hiện ký số toàn trình trên máy tính và thiết bị di động. Thành phố đã thiết lập và duy trì kênh liên lạc của các tổ chuyển đổi số cộng đồng thống nhất, xuyên suốt từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở.
Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội đã được thành lập để giảm các đầu mối, các cấp trung gian, hướng tới phục vụ hoàn toàn trực tuyến mức độ 4 toàn trình, với mục tiêu không còn "Cửa hành chính, khóa thủ tục", với xu hướng "Phi địa giới, phi trung gian, phi vật chất" với mục tiêu người dân và doanh nghiệp dù ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ thời điểm nào, trên thiết bị cầm tay thông minh đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các dịch vụ công, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời.
Để đẩy mạnh số hóa hồ sơ và sử dụng hồ sơ điện tử, UBND TP. Hà Nội yêu cầu quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ đề Chuyển đổi số năm 2025: "Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số", phấn đấu 80% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến năm 2025.
Trong kế hoạch số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, Hà Nội đặt mục tiêu số hóa 100% kết quả thủ tục hành chính trước 31/12/2025.
Cụ thể sẽ rà soát, tổng hợp kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; chuẩn bị điều kiện thực hiện số hóa. Xây dựng quy trình số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực sử dụng giải pháp công nghệ số hóa và kho lưu trữ dữ liệu điện tử; tích hợp dữ liệu vào kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố.
Xây dựng phương án chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử
Thực hiện triệt để chủ trương "chuyển đổi số toàn diện" trong hoạt động của chính quyền thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây đã ký ban hành Chỉ thị về việc sử dụng hồ sơ điện tử trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, và bảo đảm nguyên tắc: "Không giấy tờ - Không tiếp xúc - Toàn trình - Liền mạch".
Yêu cầu đặt ra là mọi thủ tục, giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức phải được thực hiện trên môi trường số; ưu tiên phương thức trực tuyến toàn trình, giảm tối đa hồ sơ giấy và tiếp xúc trực tiếp.
Thành phố yêu cầu cụ thể việc không được yêu cầu nộp lại hồ sơ giấy nếu đã có bản điện tử hợp lệ theo quy định pháp luật. Thừa nhận giá trị pháp lý và sử dụng hồ sơ điện tử trong toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, các thủ tục và giao dịch khác. Tuyệt đối không để phát sinh đồng thời 2 quy trình xử lý (điện tử và giấy) cho cùng một thủ tục hành chính hoặc cùng một hồ sơ.
Về tiếp nhận hồ sơ, 100% hồ sơ đầu vào phải được số hóa, ký số theo quy định ngay tại thời điểm tiếp nhận, trừ trường hợp không thể số hóa do đặc thù. Hồ sơ điện tử hợp lệ là hồ sơ đáp ứng một trong các điều kiện: Được số hóa và ký số đúng quy định; là bản sao điện tử từ sổ gốc; được chứng thực điện tử; hoặc các loại giấy tờ do tổ chức/cá nhân tự kê khai; các trường hợp khác (nếu có) theo quy định.
Về xử lý hồ sơ, hồ sơ điện tử hợp lệ phải được sử dụng ngay để giải quyết công việc, không được trì hoãn chờ bản giấy, thời gian xử lý được tính từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ điện tử.
Về kết quả giải quyết, 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải được cấp và trả dưới dạng bản điện tử có ký số hợp lệ theo quy định, trừ trường hợp pháp luật yêu cầu bắt buộc phải cấp bản giấy.
Chủ tịch UBND thành phố giao Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án chính thức thừa nhận giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử được ký số bởi cá nhân, tổ chức cung cấp, thúc đẩy hậu kiểm thay cho tiền kiểm, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, gây cản trở tiến trình chuyển đổi số, tái diễn tình trạng yêu cầu nộp bản giấy không cần thiết.
Gia Huy