Hà Nội: Mã QR đã phủ đến từng hàng rau

29/06/2023 4:01 PM

(Chinhphu.vn) - Với việc các mã QR code được phủ sóng rộng rãi, không chỉ trong các siêu thị lớn mà cả ở những chợ dân sinh, giờ đây người dân đi chợ nhiều khi chỉ cần mang theo chiếc điện thoại để thanh toán.

Hà Nội: Mã QR đã phủ đến từng hàng rau - Ảnh 1.

Các hàng quán tại Hà Nội hiện nay đều có mã QR để tiện cho người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: VGP/An Khuê

Từ bỏ thói quen dùng tiền mặt

Chị Vũ Mai Lan (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết từ khi xuất hiện dịch vụ thanh toán nhanh qua Smart banking, chị không còn phải rút tiền mặt để sử dụng hàng tháng.

Chị cho biết , trước đây, nếu muốn mua gì, chị đều phải ra cây ATM để rút tiền mặt. Mỗi lần rút đều phải trả phí nhưng giờ đây, chị chỉ rút tiền khi cần phải đổ xăng. Các khoản như tiền nhà, tiền dịch vụ, ăn uống, chị đều chuyển khoản thanh toán. Chị cho rằng "cầm điện thoại sẽ đỡ lo mất hơn cầm tiền".

Nhiều người tiêu dùng khác cũng thừa nhận, họ dần lãng quên chiếc thẻ ngân hàng, thay vào đó là sự gắn kết với điện thoại di động ngày một nhiều. Thói quen tiêu xài này xuất hiện từ những năm diễn ra dịch COVID-19, khi mọi người đều đã quen với việc mua hàng online.

Đến nay, cách thức thanh toán này đã đi vào đời sống người dân như một điều rất đỗi quen thuộc. Ngày nay, đi đâu cũng thấy số tài khoản, mã QR được dán sẵn. Từ những khu chợ truyền thống nhộn nhịp, đến các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng quần áo,…đều áp dụng cách trả tiền "thần tốc" này. Thậm chí, một số cây xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu nhận quẹt thẻ hoặc chuyển khoản.

Tại chợ Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), sạp hàng của ông Đại Văn La luôn được treo một chiếc mã QR phía trước: "Mã QR ở kia, quét mã là được. Thời buổi giờ ai mà chẳng có banking, vừa tiện lại đỡ phải trả lại tiền thừa", ông La nói.

Để đỡ mất công chuyển khoản, các khách hàng thường mua một lần nhiều loại rau củ. Thậm chí, nhiều khách hàng ngỏ ý muốn chuyển khoản dư ra và nhận lại tiền thừa bằng tiền mặt.

Nhiều tiểu thương tại chợ cũng cho biết, lượng người thanh toán không dùng tiền mặt chiếm đa số, nếu không có phương thức thanh toán chuyển khoản, các khách hàng sẵn sàng rời đi mua hàng khác.

Hiện nay, không chỉ những người trẻ mà các khách hàng, thương lái trung niên cũng đã quen thuộc với việc sử dụng ví điện tử hoặc Smart banking để mua, bán hàng. Xu hướng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, tác động vào thói quen buôn bán của nhiều hộ kinh doanh.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đầu năm 2023 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng hơn 50% về số lượng, riêng qua phương thức QR Code tăng hơn 160% số giao dịch và hơn 40% về giá trị. Phương thức giản đơn, nhanh chóng và tương thức với mọi ứng dụng tài chính ngân hàng này dường như đang len lỏi vào từng ngõ ngách, từng góc phố.

Không chỉ có các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mà giờ đây ngay cả các khu chợ dân sinh, việc quét mã cũng đã vô cùng phổ biến. Nếu như cách đây 2 năm khá vất vả để tìm được nơi cho quét mã thì giờ ngược lại tìm nào không quét mã còn khó hơn. Từ hàng rau, hàng thịt, hàng đồ khô… ở góc phố có các hàng quán ở Hà Nội này dường như cửa hàng nào cũng sẵn một mã QR.

Hà Nội: Mã QR đã phủ đến từng hàng rau - Ảnh 2.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen mới của nhiều người dân. Ảnh: VGP/An Khuê

Lực lượng thanh niên giúp thay đổi thói quen

Không chỉ giao dịch ở cửa hàng, ở chợ, khi mua sắm trực tuyến người dùng giờ đây cũng chuộng phương thức thanh toán qua mã QR. Thống kê cho thấy, thanh toán qua mã QR hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất với 55% các giao dịch thanh toán số hiện nay. Theo các chuyên gia, đây là phương thức tiết kiệm chi phí đầu tư khi chỉ cần một tờ giấy in là đủ.

Với việc gần 75% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, hơn 3,7 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, phương thức thanh toán mã QR được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trên dưới 100% trong năm nay.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tích cực, chủ động, sáng tạo và tiên phong đưa công nghệ, nội dung số vào quá trình công tác, học tập, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức hoạt động phong trào thanh niên, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, như: Tổ chức một số cuộc thi thông qua hình thức trực tuyến; truyền thông các hoạt động, định hướng, chỉ đạo các đơn vị đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng qua mạng xã hội; xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu sản xuất kinh doanh dịch vụ số, sản phẩm số, sản phẩm công nghệ cao...

Để góp phần giải quyết thực trạng trên, đồng thời đẩy mạnh phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong quá trình chuyển đổi số, Trung ương Đoàn đang xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030" để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với nhiều nhóm giải pháp khác nhau, Đề án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, thái độ; trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp xã hội, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo... trong môi trường số.

Nhận định về vấn đề này, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công phải có những con người làm việc được ở trong môi trường số, trong đó hai yếu tố quan trọng là về nhận thức số và năng lực số. Chuyển đổi số được xem là " thay đổi có tính chất phá hủy", tức là thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, làm việc cũ. Do đó, nếu nhận thức không đúng vai trò thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi. Năng lực số chính là năng lực sử dụng máy tính, công nghệ thông tin, thông tin - truyền thông; thái độ, kiến thức, kỹ năng giúp đoàn viên, thanh niên học tập, làm việc được trong môi trường số. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của Đoàn và các tổ chức khác là tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên rèn luyện nâng cao năng lực số. Bên cạnh đó, từng đoàn viên, thanh niên cần có ý thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tự nâng cao năng lực số.

An Khuê

Top