Hà Nội nâng cao hiệu quả công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

05/12/2024 5:56 PM

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và bám sát các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Hà Nội nâng cao hiệu quả công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận là sản phẩm chất lượng cấp thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh

Ngày 29/10/2024, VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Theo đó, Chính phủ nhận định, thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được; các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Đó là kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; Phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp phần giảm chi phí logistics, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu dịch vụ mới; Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng; Hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại tại buổi gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội trong tuần này đã có Công văn chỉ đạo giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương nghiên cứu, tuyên truyền và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện Thông báo số 496/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực quản lý, bám sát tình hình thực tế, tập trung chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả công vụ; xây dựng và phát huy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển Thủ đô, đặc biệt là quá trình chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… với mô hình quản trị thông minh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Tiếp tục triển khai thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 14/8/2024 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 317/KH-UBND ngày 31-10-2024 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy, Văn bản số 3758/UBND-KTTH ngày 14/11/2024 của UBND thành phố về thực hiện Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Nội nâng cao hiệu quả công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp- Ảnh 2.
Hà Nội nâng cao hiệu quả công vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp- Ảnh 3.

Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tháng 4/2024. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hà Nội luôn hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp 

Trong những năm qua, Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; đồng thời hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn Thành phố, năm 2024, UBND Thành phố đã triển khai nhiều hội nghị gặp gỡ, đối thoại để hỗ trợ doanh nghiệp theo từng chuyên đề, gồm: Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố; Đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề; Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội (y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao...); Đối thoại với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố; Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nhà ở xã hội, bến bãi đỗ xe, môi trường.

Theo ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, tính đến nay, Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; Ngoài ra đã có 4 khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ là khu công nghiệp Sóc Sơn, Đông Anh, Phụng Hiệp và khu công nghệ cao sinh học tại Quận Bắc Từ Liêm.

Hà Nội đang tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (Khu công nghiệp Quang Minh 2, diện tích 160 ha); Hoàn tất thủ tục quy hoạch kcn mới theo quy định. Hà Nội cũng đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn để khởi công thêm các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Chủ trì tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội hồi tháng 4 năm nay, ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đối thoại với Doanh nghiệp nhằm mục đích để Chính quyền Thành phố và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, cụm công nghiệp; Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp; Đặc biệt là để giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố,…nhất là các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp; Nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; Nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; Về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính...với tinh thần cầu thị và lắng nghe để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, tháng trước, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký Công văn số 3758/UBND-KTTH chỉ đạo giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công vụ; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, giải pháp thuộc lĩnh vực, địa phương quản lý; chủ động kiến tạo môi trường thuận lợi, áp dụng các giải pháp thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa để loại hình doanh nghiệp này có khả năng thích ứng, vươn lên, có sức cạnh tranh và phát triển; khuyến khích cơ chế doanh nghiệp lớn hỗ trợ, thúc đẩy, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa và các loại hình kinh tế khác nhằm tạo ra chuỗi giá trị nội địa, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; nghiên cứu, đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, đồng thời nghiên cứu một số sáng kiến mang tính đột phá để chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế xanh như: Phát triển năng lượng tái tạo; phát triển các cụm, khu công nghiệp - dịch vụ xanh; phát triển và sản xuất hydro, ammonia xanh có giá trị cạnh tranh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện chất lượng, hiệu quả thủ tục hành chính liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, hiệu quả, có kế hoạch, thời hạn hoàn thành và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ, thụ hưởng thật sự.

Các đơn vị, địa phương cũng được yêu cầu tiếp tục rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cản trở người dân, doanh nghiệp; tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số; kiểm tra, xem xét, xử lý những cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và kịp thời khen thưởng, động viên những cán bộ, công chức có tinh thần trách nhiệm, hết mình cống hiến, giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy định.

Về các nội dung cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế... theo quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh giảm thiểu chi phí, yên tâm hoạt động; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn trên địa bàn; thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, tạo mặt bằng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Thành phố Hà Nội kỳ vọng tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ mà thành phố ban hành.

Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận là sản phẩm chất lượng cấp thành phố, trong đó có từ 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu. Đồng thời, thành phố phấn đấu 100% các doanh nghiệp này được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ mà thành phố ban hành.

Minh Anh

Top