Hà Nội: Quy hoạch phát triển bền vững và kinh nghiệm quốc tế

01/01/2024 10:07 AM

(Chinhphu.vn) - TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, để quy hoạch mới mang tính thực thi, Hà Nội nên áp dụng phương pháp quy hoạch chiến lược, đưa ra những định hướng phát triển dựa trên các mục tiêu lớn, tầm nhìn, các vấn đề cơ bản ưu tiên, trên cơ sở xem xét bối cảnh bên ngoài và bên trong của thành phố.

Quy hoạch chiến lược Thủ đô dựa trên các mục tiêu lớn

Là thành phố ngàn năm văn hiến, Cổ Loa, Đại La, Đông Đô, Thăng Long - Hà Nội - đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử đất nước Việt Nam.

Đặc biệt, Hà Nội còn là một thành phố có tốc độ phát triển nhanh, mặc dù quy mô diện tích và dân số thay đổi dưới tác động của các mệnh lệnh hành chính. Trong vòng 60 năm (giai đoạn 1960 - 2020), dân số Thủ đô tăng 12,5 lần còn diện tích đất đai tăng hơn 22 lần, vượt mọi thành phố nhỏ và vừa trên thế giới.

Hà Nội: Quy hoạch phát triển bền vững và kinh nghiệm quốc tế- Ảnh 1.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Hà Nội còn đặc biệt bởi số lượng làng nghề truyền thống. Trong số 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có khoảng 350 làng nghề tiêu biểu được công nhận. Các làng nghề, với mạng lưới nghệ nhân, gia đình và người làm nghề truyền thống là một tài sản xã hội quý báu.

Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội còn đặc biệt bởi hệ sinh thái ao hồ sông nước. Có đến 9 dòng sông chảy qua Hà Nội, gồm các sông Hồng, Đuống, Đà, Nhuệ, Cầu, Đáy, Cà Lồ, Tích, và Tô Lịch.

Được kỳ vọng trở thành Thủ đô Sáng tạo, Thành phố Xanh - Thông minh, Thành phố kết nối toàn cầu… Tầm nhìn của Thủ đô Hà Nội giờ đây là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Thành phố đã có 7 lần quy hoạch trong 69 năm qua (từ ngày giải phóng Thủ đô) và giờ đây đang xây dựng "Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" nhằm sắp xếp lại không gian phát triển theo Luật Quy hoạch mới. Do đó, theo TS. Nguyễn Quang, chính quyền thành phố cần có những quyết định và giải pháp chiến lược mang tính sáng tạo và có khả năng thực thi.

TS. Nguyễn Quang nhận định, Quy hoạch chung Hà Nội lần này mang tính tích hợp lập theo Luật Quy hoạch 2017. Để quy hoạch mới mang tính thực thi, chúng ta nên áp dụng phương pháp quy hoạch chiến lược với việc đưa ra những định hướng phát triển dựa trên các mục tiêu lớn, tầm nhìn, các vấn đề cơ bản ưu tiên, trên cơ sở xem xét bối cảnh bên ngoài và bên trong của thành phố (có tính đến những thay đổi). Quy hoạch chiến lược hướng tới việc giải quyết các vấn đề, tập trung vào hành động và thực hiện thành công của tầm nhìn (đồng thời xem xét thực trạng các nguồn lực thực hiện).

Những cơ hội và thách thức trong phát triển Thủ đô Hà Nội

Với tỉ lệ đô thị hóa dưới 50%, Hà Nội hiện đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Cách hiệu quả nhất để giải quyết những cơ hội và thách thức trong phát triển Hà Nội là thúc đẩy áp dụng các giải pháp xanh, thông minh và đổi mới với công nghệ kỹ thuật cao và công nghệ kỹ thuật số.

Theo TS. Nguyễn Quang, để có thể thu hút được các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước (trên cơ sở của nền kinh tế thị trường cạnh tranh và minh bạch), đồng thời khắc phục được những bất lợi của tình trạng phát triển lộn xộn, dàn trải, Hà Nội phải tạo ra những không gian đô thị mới gắn với công nghệ, việc làm và đặc biệt tạo ra một môi trường sống tốt, an toàn, sáng tạo và thịnh vượng. Đó là nơi cung cấp các dịch vụ quan trọng về nhà ở, các tiện ích hạ tầng văn hóa - xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, giải trí), hỗ trợ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, văn hóa và thử nghiệm đổi mới sáng tạo cho các cư dân của khu đô thị (và cả xung quanh). Bài học kinh nghiệm của Thành phố Công nghệ Số (DMC) kết nối làn sóng công nghệ cùng làn sóng văn hóa gắn với mô hinh đô thị hóa kiểu mới có thể được áp dụng sáng tạo ở Hà Nội.

Sự xuất hiện của các khu đô thị lộn xộn, thiếu hạ tầng, tiện ích và phi chính thức đã trở thành biểu hiện thực tế của quá trình đô thị hóa tự phát ở Hà Nội. Đại dịch COVID-19 cũng như những tác động tiêu cực của thiên tai, mưa lũ, ngập lụt, cháy nổ đã phơi bày nhiều bất cập, trong đó có tình trạng đường xá tắc nghẽn, nhà ở không phù hợp, thiếu tiện ích và khả năng tiếp cận trong xử lý thảm họa…

Mặc dù Hà Nội đã có chính sách và chương trình di dân, tái định cư, nhưng chưa thấy hiệu quả rõ rệt. Bởi rào cản đối với vấn đề di dân là khả năng chi trả cho nơi ở mới và việc bảo đảm sinh kế cũng như môi trường sống phù hợp của người dân. Trong bối cảnh đó, vấn đề mang tính giải pháp là tái định cư (tại chỗ hoặc tới khu vực ngoại vi) với việc cải tạo, tái cấu trúc sử dụng đất hiện hữu. Các khu ở lộn xộn, dàn trải có thể được chỉnh trang, tái phát triển với đường xá, hạ tầng được nâng cấp cùng với các loại nhà ở thấp tầng và cao tầng. Không gian đất đai được giải phóng dùng để xây dựng công viên, khu vui chơi, dịch vụ, bãi đỗ xe… Hơn nữa, khi các khu phố lụp xụp trở thành các khu ở và khu chung cư khang trang, hiện đại với đầy đủ tiện nghi hơn, giá trị đất tại khu vực đó cũng tăng lên. Giá trị gia tăng này mang lại lợi nhuận cho cả người sở hữu nhà, đồng thời cũng chính là nguồn lực để các công ty phát triển xây dựng các không gian công cộng, dịch vụ mới cũng như để tái đầu tư cải tạo các "khu ổ chuột" khác của thành phố.

TS. Nguyễn Quang cho rằng, phương pháp quy hoạch này, được gọi là tái phân thửa, tái cấu trúc đất đang được nhiều nước từ châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến các quốc gia phương Tây như Canada, Thụy Điển áp dụng. Điều quan trọng là có sự đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng người dân và doanh nghiệp, trong khi chính quyền đóng vai trò dẫn dắt, tạo hành lang pháp lý.

Kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển châu Á

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nâng cấp và tái thiết đô thị cần một cách tiếp cận hệ thống gắn với nhu cầu ưu tiên và tiềm năng phát triển của cộng đồng đô thị. Hà Nội là thành phố di sản quan trọng, vì vậy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thủ đô phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc của một đô thị, đóng góp nâng cao chất lượng sống và kinh tế đô thị.

Bên cạnh đó, chương trình nâng cấp cần cách tiếp cận đa mục tiêu, nâng cấp nhà ở và hạ tầng gắn với tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Bài học kinh nghiệm của Dương Châu trong cải tạo nhà ở gắn với khai thác và bảo tồn các di sản trong đô thị, và cải tạo khu ổ chuột ở Medellin có thể được áp dụng một cách phù hợp trong công cuộc chỉnh trang Hà Nội.

Tái phát triển đô thị Hà Nội cần kết nối việc cải tạo khu trung tâm cũng như các khu ở ven đô, cải tạo hệ sinh thái sông hồ và không gian công cộng. Đặc biệt phải xem xét khai thác không gian phát triển dọc sông Hồng như một trục phát triển sinh thái của Hà Nội. Nhiều thành phố quốc tế đã khai thác khu vực dọc sông là trục phát triển chung. Hà Nội cũng cần có chiến lược khai thác trục phát triển ven sông, cải tạo chỉnh trang tuyến đô thị dọc sông Hồng gắn với cầu Long Biên, một di sản quan trọng của Hà Nội.

Mặt khác, Hà Nội cần khai thác là các nguồn lực "nội sinh", là những tài nguyên nằm trong tầm tay của thành phố, là tài sản đất đai, năng lực sản xuất và đầu tư. Chính quyền Thủ đô phải tìm cách liên kết việc tạo thu ngân sách với các hoạt động phát triển đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn.

Theo TS. Nguyễn Quang, kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy có thể tạo nguồn lực phát triển đất đai, nhà ở, đô thị theo nguyên tắc thị trường. Tức là nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua, nhằm mục tiêu tái đầu tư vào hạ tầng và tiện ích xã hội. Đây chính là mô hình thiết chế công ty dịch vụ công do chính quyền sở hữu và quản lý (như Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc, Công ty Dịch vụ công ở Medellin).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần bảo đảm quyền tài sản thông qua đăng ký đất đai và có một hệ thống cho phép cập nhật định kỳ thông tin về tài sản và quyền sở hữu tài sản. Qua các công cụ này có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn từ thuế tài sản và "thuế cải thiện", đồng thời hướng các nguồn lực đó vào việc cải thiện nhà ở cho người dân và bù đắp thu nhập cho chủ sở hữu thông qua các mô hình tái cấu trúc đất đai.

Khu vực tư nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự phát triển đô thị bền vững về mặt xã hội, kinh tế và môi trường. Có rất nhiều cách để Thủ đô làm việc với khu vực tư nhân để đạt được mục tiêu này, bao gồm các cơ cấu hợp tác công - tư (PPP) khác nhau (cùng hợp tác xây dựng mô hình đô thị sáng tạo mới). Đặc biệt, yếu tố thể chế (Luật Thủ đô) đóng vai trò quan trọng trong hình thành các cơ chế, quy định cũng như trong việc áp dụng và thực thi trong quy hoạch và quản lý thành phố. Thể chế mạnh đi đôi với quản trị tốt. Luật pháp và cơ chế tạo ra khuôn khổ ổn định để tăng cường phát triển và tiến bộ kỹ thuật.

Nhiệm vụ Quy hoạch chung Thủ đô đặt ra mục tiêu rất quan trọng đó là "ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững". Do đó, việc củng cố các thành phố nhỏ và trung gian sẽ không chỉ tạo dòng chảy và mối liên kết mạnh mẽ giữa thành thị và nông thôn, mà còn tăng cường năng lực của các trung tâm dịch vụ nông thôn cũng như các thị trấn nhỏ và trung gian.

TS. Nguyễn Quang cho hay, việc này nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của người dân nông thôn và ven đô với các dịch vụ cơ bản đô thị bền vững, bao gồm nước, vệ sinh, cơ sở y tế, dịch vụ tài chính, giao thông, năng lượng và thực phẩm để có thể thu hút dân cư và đô thị hóa bền vững.

Sự gắn kết của các thị trấn và thành phố trung gian thành một thể liên tục đa trung tâm đòi hỏi sự phát triển đầu tư cân bằng, quy hoạch tổng hợp vùng và lãnh thổ, các hành lang và cụm phát triển, cũng như các liên kết và trao đổi liên vùng ở nhiều cấp độ (hành lang đô thị, vùng liên huyện, tỉnh).

Bài học kinh nghiệm phát triển vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc ở Trung Quốc rất đáng chú ý và học hỏi khi tích hợp sự can thiệp của Nhà nước với sự điều tiết của thị trường. Sự hợp tác xuyên ranh giới lãnh thổ với sự thúc đẩy của chính quyền Trung ương bảo đảm hợp tác khu vực lâu dài, ổn định những hành động trong tương lai.

Bằng cách kết hợp từ trên xuống lập kế hoạch và hợp tác theo chiều ngang được thúc đẩy bởi lợi ích chung của từng địa phương, các mục tiêu quy hoạch sẽ được thực hiện phù hợp với môi trường thể chế của Trung Quốc (cũng như Việt Nam). Trong đó, sức mạnh của thị trường được sử dụng trong việc kích thích sự hợp tác, định hình lại nhu cầu của khu vực và củng cố lợi ích các khu vực địa phương.

TS. Nguyễn Quang cho rằng, sự tham gia của các chủ thể xã hội (bên liên quan) thông qua các diễn đàn phát triển, các cuộc hội thảo, nghiên cứu, tham vấn thường xuyên và các cơ chế trao đổi, hợp tác thúc đẩy và cải thiện vấn đề quản trị vùng. Chính quyền khuyến khích địa phương, chuyên gia, học giả, doanh nhân, công chúng tham gia đóng góp vào việc hợp tác liên kết vùng.

Ngoài ra, các vấn đề liên vùng ưu tiên, như bảo vệ sinh thái và môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông xây dựng, phát triển chung về du lịch và phát triển thị trường chung được sử dụng như chất xúc tác để kích hoạt sự hợp tác trong khu vực.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều thành phố cũng trải qua các quá trình phát triển lộn xộn và tự phát như Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều thành phố đã vươn mình (như Seoul, Singapore, Medellin, Thượng Hải, Dương Châu, Cairo…) bằng những chiến lược tái cấu trúc táo bạo, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Chìa khóa cho sự thay đổi đó nằm ở những hành lang phát triển kết nối sáng tạo những thành tố rời rạc và tự phát.

Kết nối, sử dụng đất đa chức năng, phát triển các không gian đô thị sáng tạo, thông minh cho nhu cầu sống, dịch vụ, vui chơi giải trí và làm việc, bảo tồn và tái phát triển đô thị, khai thác cảnh quan các con sông, nâng cấp các khu ở, liên kết đô thị, nông thôn và vùng, khai thác nguồn lực tài nguyên, sinh thái và xã hội… là những giải pháp chiến lược ưu tiên.

"Tiềm năng phát triển những không gian sáng tạo và chuyển đối số cho hội nhập toàn cầu đã hiện hữu trong những hoạt động phát triển ở Thủ đô. Nhưng quan điểm phát triển phải là "thuận thiên": thuận quy luật tự nhiên, nhu cầu của người dân và các động lực thị trường chứ không phải duy ý chí. Hãy "vì con người gắn trong trong hệ sinh thái" làm động lực và mục tiêu cho sự phát triển Hà Nội", TS. Nguyễn Quang nhấn mạnh.

Thùy Chi

Top