Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù để rút ngắn tiến độ đường sắt đô thị

02/07/2024 5:44 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tập trung nguồn lực rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù để rút ngắn tiến độ đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia kỳ họp HĐND TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/BP

Chiều 2/7, HĐND TP. Hà Nội đã cho ý kiến vào Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, biểu quyết với 83/89 đại biểu có mặt tán thành việc bổ sung nội dung này trong Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.

Trong đó, HĐND Thành phố giao UBND Thành phố tiếp thu các ý kiến của HĐND Thành phố để hoàn thiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thảo luận về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đa số đại biểu đánh giá cao việc xây dựng và triển khai Đề án nhằm tạo bộ mặt mới cho giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai.

Đại biểu đề nghị UBND Thành phố tiếp tục rà soát Đề án để bảo đảm triển khai những nội dung liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng đường sắt đô thị được nêu trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, vấn đề đường sắt đô thị của Thành phố Hà Nội là rất cấp bách; theo quy hoạch Hà Nội có 14 tuyến, nhưng hiện Thành phố mới thực hiện được 2 tuyến.

Chủ tịch HĐND Thành phố cũng thống nhất HĐND góp ý vào Đề án để UBND Thành phố kịp thời hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền; đồng thời, nội dung này sẽ được đưa vào trong Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.

Trước đó, trong khuôn khổ Kỳ họp, UBND thành phố Hà Nội đã có Tờ trình về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Như vậy, Đề án này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các cấp để hoàn thiện.

Nội dung Đề án của UBND trình tại Kỳ họp nêu lên mục đích của xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô để tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị thời gian qua, làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Hà Nội yêu cầu thời gian tới thống nhất ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tập trung nguồn lực rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Thành phố Hà Nội sẽ sớm trình Bộ Chính trị chấp thuận, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về chủ trương phát triển hệ thống đường sắt đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Về quan điểm, Đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị, là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố, phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới. Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.

Mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc đã được xác định, thành phố đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư như sau: Phân kỳ 2024-2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.

Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD. Về năng lực vận tải, đến sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.

Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km đường sắt đô thị các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD.

Về phương án huy động của Hà Nội, tờ trình nêu, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động được của Thành phố đến năm 2035 là khoảng 28,560 tỷ USD. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035.

Giai đoạn sau năm 2035, TP. Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.

Bích Phương

Top