Hà Nội tập trung giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

18/01/2023 5:29 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2023, ngành y tế Hà Nội sẽ tập trung vào 5 giải pháp quan trọng và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, chuyên đề, đột xuất.

Hà Nội tập trung giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-SYT về triển khai công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023.

Theo đó, Sở đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực quản lý bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm và thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trong năm 2023, ngành y tế thành phố sẽ tập trung vào 5 giải pháp quan trọng. Trong đó, ngành y tế nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, chuyên đề, đột xuất. Đồng thời, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau công bố sản phẩm; thực hiện công tác xét nghiệm mẫu thực phẩm để đánh giá chất lượng thực phẩm và là cơ sở xử lý vi phạm nếu mẫu không đạt.

Tiếp tục dự án và mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Trong đó, tiếp tục triển khai duy trì các chuyên đề về dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã. Triển khai duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện. Kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 440 xã, phường của 20 quận, huyện. Triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện và bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. 

Đồng thời, điều tra và xử lý kịp thời 100% vụ ngộ độc thực phẩm khi được thông báo; duy trì thông tin cảnh báo về sự cố an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm tới các nhóm đối tượng đích, gồm: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Cùng với đó, tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng, phổ biến và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, kinh doanh và bảo quản thực phẩm. 

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn các văn bản quy định hiện hành về an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm và cán bộ mạng lưới an toàn thực phẩm tại các địa bàn.

Thiện Tâm

Top