Hà Nội tập trung tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ trong công tác giải phóng mặt bằng
(Chinhphu.vn) - Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, giá đền bù, sự đồng thuận của người dân và việc bố trí quỹ đất tái định cư… Trước thực tế này, Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ những ‘điểm nghẽn’ trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai.
"Điểm nghẽn" do chuyển tiếp giữa 2 Luật Đất đai
Hà Nội hiện có khoảng 1.000 dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do những bất cập trong chính sách pháp luật, nhất là sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Điển hình là Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh trên địa bàn quận Hoàng Mai với tổng mức đầu tư lên tới 3.354 tỷ đồng đã trải qua 4 lần điều chỉnh mốc thời gian bàn giao mặt bằng.

Công tác giải phóng mặt bằng vẫn là trở ngại lớn, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, giá đền bù, sự đồng thuận của người dân và việc bố trí quỹ đất tái định cư…Ảnh minh họa
Dự án cải tạo, mở rộng đường Tam Trinh có tổng chiều dài gần 3,6 km. Tuyến đường được mở rộng với mặt cắt ngang 40m, quy mô sáu làn xe, tổng diện tích thu hồi đất là hơn 54.000 m2, liên quan khoảng 1.590 hộ dân và 20 tổ chức; thuộc địa bàn ba phường Mai Động, Hoàng Văn Thụ và Yên Sở. Thế nhưng đến nay, nhà thầu mới chỉ tổ chức thi công được khoảng 800m. Nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm tiến độ là vướng mắc về chính sách liên quan công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vướng mắc liên quan đến nhà tái định cư.
Theo Luật Đất đai năm 2024, quy định quỹ nhà tái định cư phải được chuẩn bị sẵn sàng trước khi ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ dân. Quỹ nhà tái định cư phục vụ đường Tam Trinh là các tòa nhà CT1, CT2, CT3 Khu đô thị Đền Lừ đã xuống cấp sau khi được trưng dụng phục vụ bệnh nhân mắc COVID-19, cần cải tạo, sửa chữa mới đủ điều kiện bàn giao. Quận Hoàng Mai phải xin chủ trương thành phố chấp thuận cho cấp kinh phí với các hộ tái định cư thuê nhà trong quá trình cải tạo các tòa nhà. Vướng mắc thứ hai là chính sách đền bù cho công trình xây dựng không phép.
Đối chiếu Luật Đất đai trước đây và các văn bản về giải phóng mặt bằng của thành phố, những công trình không được các cấp thẩm quyền cho phép để xây dựng được hưởng chính sách hỗ trợ theo tỉ lệ % đối với giá xây dựng công trình mới (tùy thời điểm xây dựng). Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 lại không có quy định về nội dung này, đồng nghĩa các hộ xây dựng công trình không hợp pháp sẽ không được đền bù.
Trên thực tế, hầu hết công trình nhà ở của người dân trên đường Tam Trinh đều không có giấy phép xây dựng, hoặc không có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép. Vì vậy, khi áp dụng luật mới, quận Hoàng Mai không có cơ sở để áp dụng chính sách bồi thường hoặc hỗ trợ cho các hộ dân; do đó họ chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Dự án cải tạo, mở rộng đường Tam Trinh là dự án trọng điểm của quận Hoàng Mai, sử dụng vốn đầu tư công. Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện đi lại thuận tiện, khắc phục tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô, thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố phát triển, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Là tuyến giao thông trọng điểm kết nối phía Nam Hà Nội với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1A, Dự án đường trục phát triển kinh tế phía Nam dài 41,5km vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhất là khu vực trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Theo đó, cuối năm 2023, UBND huyện Ứng Hòa đã hoàn tất đo đạc, kiểm đếm và xác nhận nguồn gốc đất, nhưng khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, nhiều hộ dân yêu cầu áp dụng mức giá bồi thường mới thay vì giá cũ, khiến quá trình thương lượng kéo dài.
Dự án đường Láng - Hòa Lạc kéo dài giai đoạn 2 đoạn qua huyện Thạch Thất cũng đang gặp khó khăn do sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Dù đã bàn giao 98,64% diện tích đất và hoàn tất 99,77% công tác di dời mộ phần, nhưng đến nay vẫn còn 10,9ha chưa được giải phóng mặt bằng...
Một trong những dự án được dư luận đặc biệt quan tâm là đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT. Đến nay, tuyến đường này đã gần như hoàn thiện, đường đã được đặt tên là Phạm Tu, chỉ còn điểm mấu chốt nhất là nút giao với đường Phan Trọng Tuệ vẫn "bất động" suốt hơn 10 năm qua.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, do không giải phóng mặt bằng được nên dự án không thể hoàn thiện nút giao với cầu vượt trực thông từ đường Phạm Tu sang đường trục phía Nam. Thiếu cầu vượt, nút giao này trở thành một điểm nghẽn trầm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho giao thông trong khu vực.
Tương tự, Dự án đường trục phía Nam cũng chỉ vướng mắc giải phóng mặt bằng một phần rất nhỏ nhưng dẫn đến nguy cơ tiếp tục chậm trễ và làm giảm rõ rệt hiệu quả công trình. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cho hay, dự án được khởi công năm 2008; đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 19km, nhưng hiện vẫn còn khoảng 2,7km (khoảng 6% khối lượng dự án) chưa được các huyện giải phóng mặt bằng, bàn giao để triển khai thi công tiếp. Dự kiến sẽ rất khó khăn và khó có thể hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.
Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.448 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2013 và tiếp tục triển khai theo Luật Đất đai 2024, với tổng diện tích hơn 12.430ha. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp giữa hai luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Một trong những điểm nghẽn lớn là quy định về thông báo thu hồi đất. Theo Điều 85, Luật Đất đai 2024, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo trước ít nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều dự án đã ra thông báo thu hồi, nhưng chưa hoàn tất thủ tục trong thời gian quy định, dẫn đến việc mất hiệu lực và không thuộc diện được chuyển tiếp theo Luật Đất đai 2024.
Quá trình chuyển đổi giữa hai luật cũng đặt ra thách thức trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các dự án đã thực hiện một số bước theo Luật Đất đai 2013, như kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường..., nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi hoặc phê duyệt phương án bồi thường. Khi áp dụng theo quy định mới, hàng loạt vấn đề phát sinh, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí, thay đổi chính sách hỗ trợ và tái định cư.
Trong thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã nỗ lực, tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là đối với những dự án chịu sự điều chỉnh của cả Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Cụ thể, đối với các thông báo thu hồi đất chưa quá 12 tháng, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành, không phải thực hiện lại theo Luật Đất đai 2024...
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các dự án đã hoàn tất quy trình theo Luật Đất đai 2013 tiếp tục triển khai, không cần làm lại từ đầu, tránh lãng phí thời gian và ngân sách. Đối với các dự án áp dụng Luật Đất đai 2024, nhưng chính sách không thay đổi và người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng có thể tiến hành ngay các bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, so với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người dân bị thu hồi đất. Một trong những thay đổi đáng chú ý là cách tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được xác định theo giá đất cụ thể, trong khi nhận đất tái định cư được tính theo bảng giá đất của thành phố.
Ngoài ra, trong công tác tái định cư, quy định mới yêu cầu phải hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, tránh tình trạng người dân phải chờ đợi kéo dài như trước đây. Hạn mức đất tái định cư cũng có sự điều chỉnh theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố, với mức tối thiểu từ 50m² đến 150m², tùy theo khu vực (cao hơn nhiều so với trước đây).
Để tháo gỡ các "điểm nghẽn" trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, cần một cơ chế chuyển tiếp linh hoạt, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện chính sách trên cùng một dự án.
Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất, điều này cũng tạo ra sự chênh lệch giữa những hộ dân đã nhận bồi thường theo cơ chế cũ và những hộ dân thuộc diện áp dụng chính sách mới.
Đối với các dự án đã triển khai bồi thường một phần theo Luật Đất đai 2013, có thể xem xét giữ nguyên phương án đã được phê duyệt để tránh xáo trộn, trừ trường hợp chính sách mới có lợi hơn và được người dân đồng thuận.
Ngược lại, với những dự án chưa triển khai hoặc chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, nên áp dụng hoàn toàn theo quy định của Luật Đất đai 2024 để bảo đảm quyền lợi của người dân và sự minh bạch trong thực thi pháp luật. Một điểm quan trọng khác, việc xác định giá đất để tính bồi thường. Tinh thần của Luật Đất đai 2024 là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.
Nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân, doanh nghiệp với Nhà nước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho rằng, việc triển khai Luật Đất đai 2024 cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định chuyển tiếp, nhằm bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, tránh tạo ra những bất cập, xáo trộn trong quá trình thực hiện.
Về nguyên tắc thực hiện, các dự án đã triển khai bồi thường theo Luật Đất đai 2013, thì cần giữ nguyên chính sách đã được phê duyệt để tránh xáo trộn. Đối với những dự án chưa thực hiện hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị, cần tuân thủ toàn diện theo quy định mới của Luật Đất đai 2024. Đây là nguyên tắc quan trọng để bảo đảm sự liền mạch trong quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện.
Đối với việc thực thi Luật Đất đai 2024, không chỉ dừng ở các quy định trên giấy, mà cần có sự phối hợp giữa các ngành. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, việc thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai 2024, nhất là các quy định chuyển tiếp, không chỉ giúp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, mà còn bảo đảm sự công bằng, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Mới đây, để tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án.
Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố; tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, phân loại cụ thể thành từng nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp tháo gỡ; báo cáo kết quả, trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án trọng điểm và dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương. Trong đó tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ, khắc phục triệt để tình trạng "vốn chờ dự án", tránh để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Đối với các dự án hết thời gian thực hiện đến cuối năm 2024, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 30/6/2025; trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn năm 2025 để triển khai dự án theo đúng tiến độ được duyệt.
Thùy Chi