Hà Nội nỗ lực tái thiết cây xanh, làm đẹp cảnh quan đô thị chào mừng Ngày 10/10
(Chinhphu.vn) - Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng, thanh niên tình nguyện, người dân ở Hà Nội nỗ lực di dọn cây cối để bảo đảm vệ sinh môi trường, giao thông thông thoáng, đồng thời chỉnh trang môi trường đô thị, tái thiết cây xanh để thay áo mới cho Thủ đô sau những ngày bão lũ do cơn bão số 3 gây ra để chuẩn bị môi trường xanh, sạch đẹp chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)
Đường phố Hà Nội cơ bản đã được dọn dẹp sạch sẽ sau cơn bão
Gần 2 tuần sau khi "siêu bão" Yagi qua đi, đến trưa ngày 20/9, đường phố Hà Nội cơ bản đã được dọn dẹp sạch sẽ, không còn cảnh cành, lá nằm ngổn ngang, cây cối bị tàn phá như hôm cơn số 3 Yagi đổ bộ về càn quét. Ghi nhận tại nhiều con phố ở Hà Nội như: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Kim Mã, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Thanh Niên, Cửa Bắc, Võ Thị Sáu, Hàng Bông, Cầu Giấy, Nguyễn Đình Thi,... cây xanh đổ, gẫy sau bão số 3 đã được di dọn, nhiều cây được cắt tỉa, dựng trồng lại, một số cây được rào thêm khung sắt chống đỡ để bảo đảm cây không bị gẫy đổ.
Ông Trần Anh Tuấn, cư dân sinh sống ở phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình cho biết, trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng, công an, bộ đội, dân phòng, thanh niên tình nguyện, người dân và cả công nhân viên từ tỉnh, thành bạn…đã cùng chung sức, làm việc không quản ngại nắng mưa, tận dụng cả những ngày cuối tuần để dọn dẹp vệ sinh môi trường, cắt gọt và di dọn những cây xanh gẫy đổ để đường phố, vỉa hè của Thủ đô được thông thoáng như ngày hôm nay.
Đường phố Hà Nội những ngày này lại được "thay áo mới", không còn tàn dư của cơn bão số 3 Yagi, người dân đã sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cuộc sống ở Thủ đô lại tấp nập, hối hả, nhiều công nhân viên thi công khẩn trương lắp đặt trang trí để chuẩn bị cho Thủ đô Hà Nội chào mừng sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), những công nhân viên môi trường trực, quét dọn thông buổi trưa để bảo đảm vệ sinh môi trường cho Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp…
Bão số 3 qua đi đã để lại những thiệt hại vô cùng lớn đối với "lá phổi xanh" của Thủ đô. Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến 6 giờ ngày 13/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 40.000 cây xanh gẫy đổ. Trong đó, hơn 11.000 cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác...) do thành phố quản lý bị bật gốc.
Thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 11065/VP-ĐT của Văn phòng UBND TP. Hà Nội về công tác khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3, tại nhiều tuyến phố, việc thu gom trồng dựng lại cây xanh gãy đổ nhanh chóng được triển khai.
Để cứu được nhiều cây nhất có thể, các lực lượng chức năng phải chạy đua với thời gian. Anh Lê Văn Chiến, công nhân Công ty Công viên Cây Xanh Hà Nội cho biết, nếu không cắt lá, trồng dựng lại kịp, cây sẽ héo dần nên phải dốc sức làm nhanh nhất có thể. Từ lúc cây ngã đổ đến khi trồng lại, thời gian càng dài, khả năng sống sót càng kém.
Để cứu cây sấu bị đổ, các công nhân phải bỏ toàn bộ lá, tỉa bớt cành. Có như vậy, cây mới có thể tập trung nước và chất dinh dưỡng nuôi thân, cũng là để ngăn tình trạng bay hơi qua lá, tăng khả năng sống sót cho cây. Trong khi đó, anh Đinh Văn Dần, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cho biết, nếu để cây lâu, nắng lên mưa xuống, không cắt lá sẽ rất yếu cây, nên toàn thể công nhân và lãnh đạo đều rất cố gắng, giảm giờ ngủ và phấn đấu làm việc để tăng tốc nhanh hơn.
Ông Hoàng Cao Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành cho biết, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng ứng cứu. "Những cây tỉ lệ sống từ 60% trở lên, chúng tôi vẫn tiến hành dựng lại".
Nỗ lực "hồi sinh" tái thiết cây xanh, làm đẹp cảnh quan đô thị
Cơn bão Yagi làm cho khoảng 40.000 cây xanh gẫy đổ trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong số này, có hơn 13.600 cây xanh trên các tuyến phố chính do thành phố quản lý; còn lại là cây do các quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại buổi đi thị sát, kiểm tra các địa phương bị ảnh hưởng sau bão Yagi đã lưu ý các đơn vị, địa phương đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngay sau đó cũng yêu cầu các sở ngành liên quan kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc rồi trồng lại vào vị trí phù hợp trên địa bàn.
Đối với cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm cần thực hiện cắt cành, tán đảm bảo cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Đối với cây đổ ra lòng đường, sau cắt tỉa cần di chuyển lên vỉa hè, dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại.
Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội và những đơn vị được giao quản lý, duy trì cây xanh thống nhất vị trí đào vỉa hè, trồng lại và trồng thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, cảnh quan, mỹ quan đô thị.
Giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch trồng lại, trồng bổ sung cây xanh đô thị bị gãy, đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp.
Chia sẻ về công tác "hồi sinh" cây xanh trên địa bàn TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, thành phố dự kiến có khoảng 3.500 – 4.000 cây xanh có thể "cứu" trồng, dựng lại được, trong đó có hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ; 9 cây sưa đỏ là cây quý hiếm, có giá trị; 94 cây cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ như sanh, si, đa, đề tại khu vực quanh Hồ Gươm, đền Bà Kiệu, trong khu di tích, lịch sử, văn hóa...
Đối với quy trình "cứu" cây xanh, ông Nguyễn Thế Công cho biết, cần thực hiện 5 bước. Trước hết các đơn vị đánh giá, phân loại theo chỉ đạo của UBND Thành phố, sẽ rà soát đánh giá từng cây cụ thể. Tiếp đó, các đơn vị xác định phương án tỉa tán để chống, dựng lại cây hoặc chuyển sang vị trí lân cận để trồng. Việc cắt tỉa tán cây bảo đảm cân đối, hài hòa theo từng chủng loại cây theo đúng quy trình, quy định.
Bước tiếp theo, cơ quan chuyên môn sẽ chuẩn bị đất màu, đào hố trồng cây, thực hiện chống cọc đối với cây trồng dựng lại. Cây trước khi trồng dựng lại được cắt bỏ rễ bị hỏng, thối, phun thuốc kích thích ra rễ, ra lá và cuốn vải hoặc lưới lên thân nhằm hạn chế mất nước. Sau khi chống dựng, trồng lại cây xanh, các đơn vị thực hiện chăm sóc giúp cây sinh trưởng và phát triển ổn định.
Về công tác trồng cây trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Thế Công cho hay, sau khi cẩu cây trồng đưa vào hố, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây (đối với vỏ bầu không có khả năng tự phân hủy), cắt hết dây buộc, đặt bầu cây vào chính giữa hố bảo đảm cây trồng thẳng đứng.
Cho biết về kế hoạch tái thiết cây xanh đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, sau cơn bão số 3 Yagi, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội phải rà soát, đánh giá lại từ chủng loại cây, các vị trí trồng cây, các điều kiện thổ nhưỡng cũng như các không gian để cây xanh phát triển...
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức những hội thảo, mời các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu sâu về cây xanh đô thị... để xin ý kiến và sẽ có báo cáo đánh giá tổng quát, tổng thể việc trồng cây xanh trên địa bàn TP. Hà Nội, từ chủng loại xây đến các vị trí trồng cây...
Trên địa bàn Thủ đô hiện có nhiều chủng loại cây, đặc biệt Hà Nội có nhiều cây được trồng từ thời xa xưa. Trong quá trình chúng ta phát triển về hạ tầng kỹ thuật như mở rộng đường, xén vỉa hè… dẫn đến kích thước của vỉa hè cũng đã thay đổi.
Cùng với sự phát triển của thành phố, của xã hội thì các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác cũng phát triển theo, trên vỉa hè hiện nay có rất nhiều hạ tầng kỹ thuật khác, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho biết, tới đây, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ rà soát, đánh giá một cách tổng thể. Ví dụ nếu kích thước vỉa hè đủ điều kiện thì mới đề xuất trồng cây hoặc trong trường hợp cây trồng ở vỉa hè hay cây trồng ở giải phân cách cũng phải xác định rõ chứ không thể lẫn lộn.
Hiện trạng cho thấy có những vỉa hè rất nhỏ nhưng cây lại rất lớn, như thế mục đích vỉa hè không còn nữa vì vỉa hè là dành cho người đi bộ, giao thông cho người đi bộ và trên đó để chúng ta bố trí các hạ tầng kỹ thuật khác.
"Hiện tại, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo thành phố về phương thức thực hiện, theo đó trên địa bàn của từng quận sẽ giao cho các quận rà soát, thống kê khối lượng để hình thành nên các gói thầu theo quy định. Từ đó, các quận huyện sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn các đơn vị, trước khi đấu thầu sẽ phải xác định số lượng, chủng loại, các vị trí trồng cây", ông Công cho hay.
Việc phục hồi cây xanh sau bão không chỉ bảo đảm cảnh quan mà còn tăng cường khả năng chịu đựng của hệ sinh thái đô thị, giúp giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Trong bối cảnh đô thị hóa đang ngày càng phát triển, cây xanh đô thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cân bằng môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc phát triển và bảo vệ hệ thống cây xanh không chỉ giúp thành phố Hà Nội thêm phần mỹ quan mà còn có tác động trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Hơn nữa, cây xanh còn là công cụ tự nhiên giúp lọc không khí, loại bỏ các chất ô nhiễm, bụi bẩn và cung cấp oxy.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sống gần không gian xanh có tác động tích cực đến sức khỏe con người, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Cây xanh giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung, cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Một không gian xanh lớn hơn còn khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ hay đạp xe, từ đó nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Một số hình ảnh ghi nhận tại nhiều tuyến phố của Hà Nội:
Thùy Chi