Hà Nội tiếp tục nghiên cứu để thí điểm hiệu quả mô hình chính quyền đô thị
(Chinhphu.vn) - Để việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội tiếp tục hiệu quả, thời gian tới, TP. Hà Nội tiếp tục nghiên cứu đặc điểm về hạ tầng đô thị, về các điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư tại khu vực các quận, thị xã và khu vực khác, trên cơ sở đó, tiếp tục định hướng nghiên cứu để đề xuất về mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Kinh nghiệm của Hà Nội là triển khai bài bản, nghiên cứu kỹ thực tiễn
Qua hơn một năm thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, TP. Hà Nội bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm thực tiễn.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, việc đầu tiên là cần thực hiện khảo sát, nghiên cứu kỹ các yếu tố thực tiễn, đánh giá sát, đúng những bất cập, hạn chế của mô hình hiện tại, trên cơ sở đó đề xuất mô hình phù hợp với thực tiễn, phù hợp với khả năng quản lý, đúng quy định của pháp luật.
Khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm, việc triển khai cần được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, đúng nội dung, trình tự theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Kịp thời ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch tổ chức thực hiện cũng như các văn bản hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực.
Ngoài ra, quá trình triển khai, cần kịp thời có cơ chế, biện pháp tháp gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập; đồng thời phát hiện những điểm chưa phù hợp của mô hình quản lý mới, từ đó tiếp tục đề xuất với Trung ương xem xét, cho phép nghiên cứu để từng bước điều chỉnh cho phù hợp.
Điểm đặc biệt là cần khẩn trương làm tốt công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đúng các quy trình công tác cán bộ, sắp xếp người có đủ phẩm chất, năng lực, tín nhiệm vào các vị trí chức danh lãnh đạo và chuyên môn. Có chính sách hợp lý đối với số cán bộ, công chức phải chuyển vị trí hoặc nghỉ công tác; làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình quản lý.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Sau hơn 1 năm triển khai tổ chức thí điểm tại Hà Nội, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã thể hiện rõ những ưu điểm, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được đánh được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà, việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vẫn còn có những khó khăn.
Tại một số phường, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của Chủ tịch UBND phường và tập thể UBND phường còn chưa rõ nét. Với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), khối lượng công việc tại các phường là rất lớn, gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công chức phường.
Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít, nên việc tổ chức các hoạt động giám sát mới được duy trì ở mức độ như trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chưa có sự thay đổi tích cực rõ nét, chủ động thực sự về số lượng và chất lượng khi không tổ chức HĐND ở phường.
Nêu khó khăn, vướng mắc tại thị xã Sơn Tây, Bí thư Trần Anh Tuấn cho biết, thị xã Sơn Tây có 15 đơn vị hành chính (9 phường thực hiện mô hình chính quyền đô thị, 6 xã thực hiện chính quyền địa phương ở nông thôn). Khi thực hiện sắp xếp cán bộ tại các xã, phường còn gặp khó khăn khi trong cùng địa bàn thị xã công chức làm việc tại UBND phường là công chức cấp quận, công chức làm việc tại UBND xã là công chức cấp xã trong khi các công chức này đều trải qua trong cùng kỳ tuyển dụng như nhau. Công chức điều chuyển từ phường sang xã thường hay tâm tư. Công chức được điều chuyển từ xã sang phường phải thông qua sát hạch, thỏa thuận mất nhiều thời gian nên khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công chức.
Còn tại quận Hà Đông, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn quận Hà Đông cũng gặp phải nhiều khó khăn như: cán bộ công chức phường ngoài nhiệm vụ chuyên môn phải đảm nhận thêm việc theo dõi các tổ dân phố trong khi chế độ chính sách không thay đổi chưa động viên được lực lượng cán bộ, công chức; đội ngũ cán bộ chuyên trách địa phương chưa được chuyển đổi do đó chưa đồng bộ, thống nhất; phường là đơn vị dự toán nên thiếu chủ động về kinh phí trong thực hiện các nhiệm vụ đột xuất…
Còn theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, mô hình chính quyền đô thị gồm cấp chính quyền hoàn chỉnh tại thành phố; quận, huyện, thị xã; xã thị trấn và cấp hành chính tại phường chưa thực hiện triệt để yêu cầu tinh gọn tổ chức, bộ máy gắn với cải cách hành chính, chưa thể hiện rõ nét mô hình chính quyền đô thị.
Dự báo có thể tạo ra sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực trong địa bàn thành phố; phải có thời gian đề nghiên cứu sâu về phân cấp, phân quyền cho mỗi cấp chính quyền và mỗi cấp hành chính để đảm bảo rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi khu vực.
Hà Nội tiếp tục nghiên cứu về tổ chức mô hình chính quyền đô thị
Đóng góp ý kiến về một số vấn đề đặt ra với Hà Nội, TS. Lê Thị Hà, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, nhiệm vụ chính trị của việc thực hiện chính quyền đô thị là rất nặng nề trong khi trình độ của cán bộ, công chức còn hạn chế.
Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Hai là, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít. Điều này dẫn đến việc tổ chức các hoạt động giám sát mới được duy trì ở mức độ như trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chưa có sự thay đổi tích cực rõ nét, chủ động thực sự về số lượng và chất lượng khi không tổ chức HĐND ở phường.
Đội ngũ cán bộ, công chức phường ngoài các nhiệm vụ theo chuyên môn được tuyển dụng đều được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt tình hình tại các tổ dân phố, trong khi chế độ, chính sách không có gì thay đổi, chưa động viên được lực lượng cán bộ, công chức phường tận tâm, tận lực trong công tác.
Để việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội tiếp tục hiệu quả, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô. Sở Nội vụ Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố để tiếp tục thí điểm mô hình này.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, cần nghiên cứu đặc điểm về hạ tầng đô thị, về các điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư tại khu vực các quận, thị xã, khu vực các huyện trên địa bàn Thủ đô, trên cơ sở đó, tiếp tục định hướng nghiên cứu để đề xuất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, đối với khu vực 12 quận, nghiên cứu đặc điểm nổi bật của khu vực các quận của TP. Hà Nội đã được quy hoạch chi tiết; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ, đang tiến tới hoàn chỉnh, có sự liên thông, liên kết với nhau thành một một mạng lưới, một chỉnh thể đồng bộ; cơ cấu kinh tế chủ yếu là phi nông nghiệp, đa ngành, đa lĩnh vực, có tốc độ tăng trưởng cao.
Đối với khu vực 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính ở quận, huyện, thị xã; ở phường, thị trấn chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị và các địa phương đang đô thị hóa; qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Gia Huy