Hà Nội tiếp tục nỗ lực để đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành

11/07/2024 11:43 AM

(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội tiếp tục nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành về tiến độ giải quyết công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các đơn vị và đề cao trách nhiệm đôn đốc, quản lý của người đứng đầu trong thực thi công vụ.

Hà Nội tiếp tục nỗ lực để đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành- Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tích cực chuyển đổi số, vận hành các ứng dụng thuận lợi, tiện ích

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội; sản xuất, kinh doanh duy trì tăng trưởng; quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,00% (cùng kỳ tăng 5,97%); ngành dịch vụ tăng thấp hơn cùng kỳ, các ngành còn lại đều tăng cao hơn cùng kỳ.

Thành phố Hà Nội đã nhận được trên 5.200 văn bản của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ban, ngành… và trực tiếp xử lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cơ bản các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được triển khai thực hiện và hoàn thành với nhiều kết quả nổi bật.

Điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo điều hành là Thành phố đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh năm 2024.

Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) trên địa bàn.

Hà Nội đã vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ gồm: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), Hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID, Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, Hệ thống E-Cabinet. Triển khai thử nghiệm một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp như "Thẻ vé giao thông Hà Nội" cho vận tải hành khách công cộng…

Một số mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình đã được các quận, huyện triển khai tích cực, trong đó một số mô hình nổi bật như: "Thanh toán không dùng tiền mặt", "Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt"…

Nhận định của UBND TP. Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng qua, Thành phố tập trung triển khai tổng thể, toàn diện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; chỉ đạo đẩy mạnh phát triển dữ liệu, phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng phục vụ, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp;

Hà Nội cũng thực hiện các bước bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ về định danh, xác thực điện tử.

Xây dựng cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển

Điểm nổi bật khác trong 6 tháng năm 2024 là Hà Nội tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đến nay, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển. Trong số các nhóm cơ chế chính sách có một số nhóm có hiệu lực từ 1-1-2025 và một số nhóm có hiệu lực từ 1-7-2025.

Hà Nội sẽ có kế hoạch phân công, phân nhiệm để triển khai có hiệu quả các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, UBND Thành phố ban hành quyết định hoặc trình HĐND Thành phố ban hành nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cho cấp xã theo quy định trong quý IV/2024.

Hà Nội tiếp tục nỗ lực để đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành- Ảnh 2.

Hà Nội đã vận hành hệ thống giao thông thông minh - Ảnh: VGP

Tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ

Điểm nổi bật khác trong 6 tháng đầu năm là do Hà Nội tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm 3 "rõ": Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; Rõ thẩm quyền, trách nhiệm; Rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 24- CT/TU ngày 07/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.

Nhờ đó, khắc phục dần tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức; Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Kiểm tra công vụ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính được đẩy mạnh trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ. Các cơ quan, đơn vị của Thành phố đã thực hiện 580 cuộc kiểm tra công vụ (chủ yếu là kiểm tra đột xuất).

Nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo, điều hành còn được thực hiện qua việc nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, có biện pháp giám sát, phòng ngừa các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu. Rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Những nỗ lực này nhằm khắc phục mọi khó khăn, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp phấn đấu ngay từ tháng đầu, quý đầu với quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng năm 2024, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu được đề ra tại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tạo lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ công tác điều hành

Bên cạnh các kết quả nổi bật, nhận định của TP. Hà Nội cho thấy, doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm so với cùng kỳ; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so cao với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt mới đạt 21,2%; công tác phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư còn chậm so với yêu cầu… là những khó khăn nội tại ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6,5-7,0% thì 6 tháng cuối năm GRDP của Hà Nội phải tăng từ 6,9-7,9%.

Để đạt được mục tiêu này, trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND TP. Hà Nội xác định tiếp tục khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tập trung hoàn thành, hoàn thiện tính năng để khai thác vận hành đồng bộ, hiệu quả các ứng dụng CNTT làm nền tảng phát triển chính quyền số để thực hiện tiếp nhận và xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri, dịch vụ hành chính công, tạo lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành và cung cấp tiện ích cho công dân Thủ đô trên nhiều lĩnh vực qua các ứng dụng đã vận hành và đang xây dựng như: Phần mềm giải quyết kiến nghị cử tri, phòng họp thông minh không giấy tờ Ecabinet, Ứng dụng công dân số Thủ đô iHà Nội, hồ sơ sức khỏe điện tử EHR, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VneID...

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc, bảo đảm đúng tiến độ, thời hạn, chất lượng; khẩn trương khắc phục tình trạng chậm triển khai, thực hiện văn bản, ý kiến chỉ đạo; tập trung thực hiện dứt điểm các kết luận, kiến nghị chưa thực hiện xong; tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn giám sát, kiểm tra của Trung ương và Thành phố.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông khung quan trọng, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội và thiết lập đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô…

Gia Huy

Top