Hà Nội từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đến nay đã đầu tư, hoàn thiện nhiều công trình thiết chế văn hóa - thể dục thể thao lớn, trọng điểm và từng bước hoàn thành hệ thống thiết chế văn hóa ở cở sở nhằm phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao của người dân Thủ đô.
Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sinh hoạt văn hóa của người dân
Theo UBND TP. Hà Nội, Thành phố có trên 380 công trình, điểm sinh hoạt văn hoá thể thao. Trong đó, UBND Thành phố quản lý trực tiếp 1 thiết chế; các sở, ban, ngành, đoàn thể quản lý 350 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hoá thể thao; Sở Văn hoá và Thể thao quản lý 27 thiết chế, công trình văn hoá, thể thao; Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội quản lý 5 thiết chế, công trình.
Ở cấp huyện có 84 thiết chế văn hóa, thể thao/30 quận, huyện, thị xã. Cấp xã có tổng số 125 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã (đạt tỷ lệ 21,2%). Có 4.656/5.476 thôn, tổ dân phố (2.362 thôn, 3.114 tổ dân phố) có Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 85,0%. Trong đó có 2.328 nhà văn hoá thôn (đạt 98,6 %); 2.328 nhà văn hoá, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 74,8%).
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh cho người dân.
Thành phố cũng đã thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân Thủ đô, thúc đẩy phát triển có hiệu quả các hoạt động, các phong trào văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Tiêu biểu như, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-NĐND ngày 29/3/2024 quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao luôn được đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình văn hoá quy mô lớn, kiến trúc đẹp được xây dựng. Xu hướng chung của hệ thống thiết chế văn hóa - thể dục thể thao cơ sở là gần gũi, phục vụ sát yêu cầu của nhân dân ở cơ sở.
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã trở thành địa chỉ văn hóa phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong các tầng lớp Nhân dân.
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở
Việc quy hoạch hệ thống trung tâm văn hóa dọc hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng đã được Thành phố xác định tại Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong quá trình triển khai sẽ xác định cụ thể nhu cầu thiết chế, văn hóa, thể thao trong khu vực. Đối với các trục không gian khác tiếp tục rà soát, cập nhật vào điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, dự trù quỹ đất cho các nhu cầu văn hóa, trung tâm văn hóa, các không gian sinh hoạt văn hóa…
Theo UBND TP. Hà Nội, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở luôn được Thành phố quan tâm đầu tư: hệ thống Cung văn hóa, Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa từ Thành phố đến cơ sở, của các ngành, đoàn thể Thành phố hoạt động khá tốt, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo cán bộ, nhân dân Thủ đô.
Từ hiệu quả hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa các cấp, các quận, huyện, thị xã chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển Nhà văn hóa phường, xã, thị trấn... Hướng đi này đã phát huy tối ưu công năng của hệ thống Nhà văn hóa trong việc thực hiện mục tiêu "đưa văn hóa thông tin về cơ sở", "tạo môi trường để đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật" góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng.
Toàn Thành phố hiện có 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%. Trong đó có 2.283 nhà văn hóa thôn (đạt 97%); 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 65,5%).
Trong hơn 4.270 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị theo quy định.
Hoạt động thư viện phát triển sâu rộng từ Thành phố đến thôn, làng, cụm dân cư. Hoạt động thư viện cấp Thành phố tiếp tục duy trì hoạt động theo phương thức truyền thống, song song từng bước phát triển thư viện theo hướng hiện đại, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện và tập trung việc đầu tư phát triển thư viện điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, nhu cầu thông tin của người dân.
Mạng lưới thư viện cấp huyện và phòng đọc cấp xã, phường được đẩy mạnh, trung bình mỗi năm đã thành lập mới gần 40 thư viện, phòng đọc cơ sở; khuyến khích thành lập các thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình có phục vụ cộng đồng. Trên địa bàn Thành phố hiện có 13 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; hoạt động luân chuyển sách, báo; thư viện lưu động ngày càng phát triển mạnh.
Các hình thức phục vụ này nhằm tạo điều kiện cho các em thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi tại các huyện ngoại thành tiếp cận dễ dàng với nguồn tri thức phong phú, đa dạng; góp phần phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, duy trì thói quen đọc sách, hình thành lối sống lành mạnh cho các em thiếu nhi trên địa bàn toàn Thành phố. Do đó thư viện lưu động đã thu hút đông đảo các em thiếu nhi hưởng ứng, tham gia.
Bảo tàng Hà Nội duy trì mở cửa thường xuyên đón tiếp khách tham quan. (Trung bình mỗi năm, Bảo tàng Hà Nội đón tiếp, phục vụ 100.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu, học tập); tiếp tục phối hợp với cố vấn Hội đồng khoa học và các chuyên gia Pháp xây dựng đề cương, kịch bản trưng bày, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều sự kiện triển lãm, trưng bày mỹ thuật, nhiếp ảnh phục vụ quần chúng Nhân dân.
Công tác xã hội hóa bảo tàng được đẩy mạnh, chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống bảo tàng ngoài công lập theo định hướng của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến tháng 8/2021, đã chỉ đạo trình UBND Thành phố cấp phép hoạt động cho 17 Bảo tàng trên địa bàn Thành phố, tập trung ưu tiên để hình thành một số bảo tàng chuyên đề giới thiệu nghề truyền thống, bảo tàng nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, cổ vật, lưu niệm danh nhân. Nhiều bảo tàng đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần bảo tồn di vật, cổ vật, phát huy giá trị di sản trong giáo dục truyền thống, cách mạng,… như: Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá - huyện Hoài Đức, Bảo tàng Cổ vật Tràng An…
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố đến cơ sở, tiếp tục rà soát, thống kê thực trạng nhà văn hóa các thôn để đề xuất Thành phố tiếp tục có cơ chế hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đối với các nhà văn hóa xuống cấp, nhỏ hẹp, không bảo đảm điều kiện hoạt động để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Gia Huy