Hà Nội yêu cầu các quận sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết chung cư cũ
(Chinhphu.vn) - UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân sớm hoàn thành việc trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể.
UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 580/TB-VP, truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố nghe báo cáo về tình hình triển khai Đề án và các Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các văn bản số 144/TB-VP ngày 11/4/2024 và số 333/TB-VP ngày 23/7/2024. Cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các đơn vị trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác nghiên cứu, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, làm cơ sở để triển khai các nội dung khác theo quy trình, quy định.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện; chỉ đạo rà soát, xem xét giải quyết đề nghị của UBND quận Hà Đông về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 (chức năng ô quy hoạch) liên quan đến một số nhà tập thể khu vực đường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, đảm bảo phù hợp với hồ sơ và thực tế quản lý.
Sở Xây dựng với vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cần tăng cường quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ, điều phối các quận, huyện; cập nhật tình hình triển khai, kịp thời xử lý các vướng mắc hoặc báo cáo UBND Thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các Sở, ngành Thành phố có liên quan khẩn trương hướng dẫn các quận như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa thực hiện phương án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ linh hoạt vào khu vực thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, đồng bộ với hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại cho từng nhà chung cư; rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục các nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để tiến hành công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ một cách đồng bộ.
Giao nhiệm vụ cụ thể tại các quận
UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Ba Đình hoàn thành việc trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể: Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ trong tháng 12/2024; Khẩn trương nghiên cứu, trình duyệt Tổng mặt bằng cải tạo, xây dựng lại Tập thể Bộ Tư pháp và nghiên cứu phương án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ vào Quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Quận.
UBND quận Đống Đa khẩn trương trình duyệt Quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Hào Nam trong Quý I/2025; khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại Nhà chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng trong tháng 12/2024; chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Quy hoạch – Kiến trúc, Xây dựng nghiên cứu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại tập thể số 60 Thổ Quan, quận Đống Đa trong tháng 12/2024, bảo đảm khả thi, nhanh chóng.
UBND quận Thanh Xuân khẩn trương trình duyệt Quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam. UBND quận Cầu Giấy khẩn trương trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại Khu tập thể Nghĩa Tân trong tháng 12/2024.
UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng khẩn trương thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn; Quận Hoàn Kiếm trình duyệt Đề án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ trong tháng 12/2024; Quận Hai Bà Trưng nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư số 33 Nguyễn Bỉnh Khiêm trên cơ sở xây dựng Đề án quy gom, hoán đổi phù hợp, hoặc thực hiện phương án quy gom các chung cư độc lập, đơn lẻ vào khu vực thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Trong nội dung văn văn bản, UBND Thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện Đề án và các Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
Cần có các giải pháp căn cơ trong việc tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ
Mới đây, tại những buổi tiếp xúc giữa cử tri với các đại biểu HĐND thành phố trước kỳ họp thứ 20, nhiều ý kiến cử tri đề cập vấn đề cải tạo chung cư cũ. Tại quận Đống Đa, cử tri các phường kiến nghị HĐND thành phố và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời những vấn đề liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ xây dựng những dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn quận; tiến độ kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ...
Tại quận Ba Đình, cử tri các phường Ngọc Khánh, Giảng Võ cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ, triển khai sớm dự án cải tạo chung cư cũ để người dân cải thiện chỗ ở. Anh Nguyễn Văn Hòa, cử tri phường Ngọc Khánh cho biết, nhà A Ngọc Khánh nằm trong danh sách chung cư nguy hiểm, đã phải di dời khẩn cấp các hộ dân để bảo đảm an toàn trước siêu bão số 3, nhưng đến nay người dân lại trở về nhà sinh sống, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư nguy hiểm vẫn rất chậm trễ, chưa biết đến khi nào dự án mới được thực hiện.
Ngay tại phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 20, đại biểu Nguyễn Lan Hương (tổ Tây Hồ), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chỉ rõ, đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã qua nhiều mốc tiến độ thực hiện, nhưng đến thời điểm này, sản phẩm cụ thể trên địa bàn rất ít.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, trong việc tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, thành phố cần có các giải pháp căn cơ hơn và cần sản phẩm cụ thể. Việc thực hiện không cần đồng loạt, nhưng phải chỉ rõ khu vực cụ thể làm điểm cho toàn thành phố. Qua giám sát việc thực hiện Đề án, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố nhận thấy còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được giải quyết căn cơ, triệt để.
Đại biểu Nguyễn Văn Luyến (tổ Đan Phượng) cho rằng, qua tổng kết, các hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ rõ, nhưng thành phố chưa có giải pháp cụ thể, căn cơ, hợp lý để thu hút doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đặc biệt chú trọng, quan tâm đến công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gắn với tái thiết đô thị. Thành phố đã ban hành đề án cùng nhiều kế hoạch, với mốc thời gian cụ thể, nhưng tiến độ triển khai các công tác liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ rất chậm.
Nguyên nhân chính được các quận, huyện phản ánh là do vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, nhất là chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp từ 1 đến 5 tầng, trong khi dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch... khiến công trình bị hạn chế số tầng cao, không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mới đây, theo thông tin từ Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, cơ chế về quy hoạch cải tạo chung cư cũ tạo điều kiện thuận lợi để các quận, huyện lập quy hoạch chi tiết. Thành phố không hạn chế xây dựng chung cư cao tầng, nhưng cần bảo đảm nguyên tắc là không gia tăng dân số và bổ sung hạ tầng.
Cụ thể, trường hợp kiểm đếm chung cư cũ có năm tòa nhà, với 1.000 căn hộ thì khi cải tạo, xây dựng lại cần bố trí tái định cư 1.000 căn hộ, với diện tích có thể lớn hơn. Bởi, thực tế tại các chung cư cũ có nhiều căn hộ chỉ khoảng 30 m2, khi cải tạo, xây dựng lại nhân với hệ số bồi thường, được bố trí tái định lên đến 60 m2. Nếu người dân có nhu cầu ở 120 m2 vẫn được chấp nhận, nhưng ngoài diện tích 60 m2 được đền bù, thì người dân phải trả tiền phần diện tích 60 m2 còn lại vì đây là phần diện tích nhà ở thương mại. Việc làm này không làm gia tăng số lượng căn hộ, mà chỉ tăng diện tích. Đối với chung cư có số tầng cao hơn quy hoạch thì cần căn cứ vào dân số thực tế để xây dựng, nhưng phải bù lại bằng hạ tầng tương ứng, bảo đảm điều kiện sống cho người dân.
Theo thống kê, Hà Nội có 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960 - 1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là nhiệm vụ Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Sau 2 năm triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, Sở đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định 1.022 nhà chung cư thuộc các quận, huyện: Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm. Hiện, đã 8 quận, huyện tổ chức lựa chọn được đơn vị kiểm định: Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Đông Anh, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Theo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, với 6 đợt triển khai thì đợt 1 ưu tiên thực hiện đối với 10 khu chung cư, gồm: 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp) và 6 khu chung cư có tính khả thi cao (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Đề án và các kế hoạch triển khai được UBND thành phố phê duyệt đã xác định các giải pháp để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện. Thành phố đã ban hành các quyết định tạm cấp và cấp kinh phí cho một số quận, huyện để thực hiện kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo lại các chung cư cũ. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện đang tập trung triển khai lựa chọn nhà thầu để kiểm định, lập quy hoạch.
Thùy Chi