Hành trình từ những con số đến văn hóa metro

24/04/2022 7:42 PM

(Chinhphu.vn) - Chỉ sau gần 6 tháng, kể từ khi đưa vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông ở TP. Hà Nội đã giúp người dân dần thay đổi thói quen đi lại, hình thành văn hóa di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng - văn hóa metro.

Liên tục xác lập những kỷ lục mới về lượng hành khách chọn metro

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua và Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 mới đây lưu lượng hành khách lựa chọn metro thường tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày bình thường. 

Trước đó, trong 3 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua (từ ngày 9 đến 11/4), tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển gần 25.000 hành khách trong ngày đầu nghỉ lễ (9/4), tăng mạnh lên 49.000 hành khách trong ngày nghỉ thứ 2 (10/4) - gần gấp đôi so với trước khi mở cửa "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và hơn 43.000 hành khách vào ngày nghỉ thứ 3 (11/4).

Hành trình từ những con số đến văn hóa metro - Ảnh 1.

Với 49.000 hành khách trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ, đồng thời trùng vào ngày chủ nhật, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã lập kỷ lục mới về sản lượng khách kể từ khi thu phí. Trước đó, lượng hành khách đi tuyến tàu điện này trung bình mỗi ngày khoảng 15.000-16.000 khách; riêng thứ bảy và chủ nhật đông khách hơn.

Việc tuyến tàu điện đô thị trên cao đầu tiên ở TP Hà Nội lập kỷ lục mới về số hành khách vận chuyển trong 1 ngày, cùng với lượng khách đi lại hằng ngày đang tăng là tín hiệu tích cực.

Theo số liệu Hanoi Metro công bố cuối tháng 3/2022, lượng khách đi lại trên tuyến tàu điện đã tăng khoảng 30% so với những tháng trước đó. Trong đó, tỉ lệ hành khách sử dụng vé tháng trên tuyến vào giờ cao điểm lên tới 70%. Tính chung cả ngày, khách đi vé tháng đạt gần 50%.

Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, theo Dự án, hành khách trong một đến ba năm đầu là ngày thường trên dưới 20.000 khách; thứ Bảy, Chủ nhật trên dưới 30.000 khách. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do những nguyên nhân và điều kiện khách quan như dịch COVID-19, giá nhiên liệu, cho nên chưa đạt được con số đó. Cho đến ngày 20/4 vừa qua, lần đầu tiên, lượng khách đi tàu Cát linh - Hà Đông ngày bình thường đã đạt con số trên 20.000 khách. Đây là lượng khách thực sự có nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng này. Và Metro hi vọng, tới đây sẽ đạt được mục tiêu của Dự án".

Hành trình từ những con số đến văn hóa metro - Ảnh 2.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn bộ lực lượng của Hanoi Metro sẽ tập trung để phục vụ người dân một cách tốt nhất"

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự khởi đầu của Cát Linh - Hà Đông là một phương án theo kịch bản tốt nhất trong kế hoạch vận hành đã được Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP. Hà Nội đã thống nhất.

Văn hóa metro-Bước tiến mới về văn hóa tham gia giao thông Thủ đô

Theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, sự vào cuộc quyết liệt của các Sở, ban, ngành và các địa phương thì những gì tốt nhất đã dành cho tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông. Chỉ sau gần 6 tháng, đường sắt đô thị đã khẳng định được tính ưu thế vốn có của loại hình giao thông công cộng văn minh hiện đại.

Chính vì vậy, với sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ nhân viên Hanoi Metro, loại hình giao thông này đã ngày càng lấy được niềm tin của người dân Hà Nội và Cát Linh - Hà Nội như một điểm đến hấp dẫn, điểm sáng về văn hóa tham gia giao thông của người dân Thủ đô.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro hi vọng, với sự khởi đầu tốt đẹp đó, tới đây, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ còn tiếp tục phát huy sứ mệnh của mình. Từ đó làm yếu tố thúc đẩy tập trung nguồn lực của Thành phố để đầu tư và sớm đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị tiếp theo, theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Hành trình từ những con số đến văn hóa metro - Ảnh 3.

Ông Vũ Hồng Trường: "Chúng tôi đã xây dựng kịch bản để phục vụ người dân đi lại an toàn, thuận tiện để bất cứ một người dân đến Cát Linh - Hà Đông được trải nghiệm đều cảm thấy hài lòng"

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đang dần hút khách với lượng người đi lại không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, để đạt được công suất thiết kế tối đa - vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm và cao điểm có thể là 19.000-20.000 hành khách/giờ - còn cần nhiều thời gian. Cùng với việc chứng tỏ sự ưu việt của phương tiện vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, văn minh, tiện lợi thì yếu tố quan trọng không kém là thay đổi thói quen đi lại hằng ngày của người dân để hình thành văn hóa giao thông mới - văn hóa metro, rộng hơn là văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay cho phương tiện giao thông cá nhân.

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thu hút khách tốt hơn, cần tổ chức tốt dịch vụ trông giữ xe tại các ga và nhất là kết nối tốt với các tuyến buýt. 

"Ở nước ngoài, các ga đầu của tuyến đường sắt đô thị đều có bãi trông giữ ô tô, xe máy để phục vụ khách đi tàu. Việc kết nối đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt cũng phải thuận lợi, chẳng hạn như tại ga đầu mối cũng là điểm đầu của tuyến xe buýt, trong ga có các vị trí dành cho xe buýt chờ đón khách", ông Thanh cho biết.

Bên cạnh kết nối để chuyển tiếp phương tiện di chuyển, cần nghiên cứu kết nối cả về giá vé để liên thông vé tàu và xe buýt. Chẳng hạn, khách sử dụng vé tháng tàu điện Cát Linh - Hà Đông được liên thông vé tháng đối với 2 - 3 tuyến buýt, với giá vé phù hợp sẽ giúp khuyến khích, thu hút khách sử dụng tàu điện", ông Thanh nêu vấn đề.

Ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có từ 8 - 9 tuyến buýt. Hanoi Metro cũng đã dán hệ thống tuyến xe buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ biết đi các tuyến buýt kết nối.

"Trong giai đoạn 2020 - 2025, TP. Hà Nội dự kiến mở mới 90 -100 tuyến buýt nhằm tăng cường khả năng kết nối, trung chuyển hành khách giữa đường sắt đô thị và hệ thống xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách khi sử dụng phương tiện công cộng. Tăng khả năng tiếp cận, kết nối của xe buýt tới các trung tâm phát sinh nhu cầu: Khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, bến xe, ga đường sắt đô thị, khu công nghiệp, chung cư…", ông Thái Hồ Phương thông tin thêm.

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đã đưa vào khai thác 136 tuyến buýt (trong đó có 2 tuyến buýt du lịch, 3 tuyến buýt điện). Cùng đó, các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa được đưa vào hoạt động đã thúc đẩy chuyển đổi thói quen đi lại của người dân, chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng giao thông công cộng.

 Minh Anh

Top