Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách

18/05/2022 3:48 PM

(Chinhphu.vn) - Song song với việc chỉ đạo thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP, TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn Trung ương và Thành phố gắn với các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế.

Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách  - Ảnh 1.

hó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: VGP/TL

Ngày 18/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tham luận tại điểm cầu TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, TP. Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những giải pháp trọng điểm là hỗ trợ vốn tín dụng chính sách cho người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Với quan điểm đó, TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ với những nội dung, đó là ban hành Kế hoạch về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023. 

Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội và tham mưu UBND ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội với những ưu đãi về điều kiện, thủ tục, mức vay, lãi suất cho vay. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố.

UBND Thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết. Kịp thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho vay đến các địa bàn để tổ chức giải ngân. Chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP địa bàn Hà Nội được phân bổ là trên 206 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được trên 51,7 tỷ đồng cho 924 khách hàng được vay vốn.

Đồng thời, bổ sung nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội TP. Hà Nội đạt hơn 5.950 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, Thành phố đã dành riêng 1.150 tỷ đồng chuyển qua Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố để cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trong năm 2022, Thành phố cũng đã có quyết định bổ sung ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố 900 tỷ đồng để cho vay vốn với người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần phục hồi phát triển kinh tế.

Song song với việc chỉ đạo thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP, TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn Trung ương và Thành phố gắn với các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo về việc rà soát đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng tại Nghị quyết 11/NQ-CP, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung chỉ tiêu kế hoạch cho vay trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn đều nắm bắt về chính sách tín dụng ưu đãi, các đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023.

Thành phố sẽ ban hành Quy chế cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá nhu cầu vay vốn để phục hồi phát triển kinh tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…

Diệu Anh

Top