Hoàn chỉnh hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả

27/08/2024 10:06 AM

(Chinhphu.vn) - Để công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội được đồng bộ và hiệu quả, Thành phố đang đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn chỉnh hành lang pháp lý, nhằm cụ thể hóa các điều khoản của Luật Đất đai 2024, sớm đưa các quy định pháp luật đất đai vào cuộc sống.

Sớm hoàn thiện dự thảo quy định thuộc thẩm quyền về lĩnh vực đất đai

Để hoàn chỉnh hành lang pháp lý đồng bộ, giúp công tác quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, hiện TP. Hà Nội đang xây dựng 2 dự thảo quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn và quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai.

Hoàn chỉnh hành lang pháp lý đồng bộ để quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả- Ảnh 1.

Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn chỉnh hành lang pháp lý pháp luật về đất đai. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Là cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định của UBND TP. Hà Nội quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai trên địa bàn, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đây là những dự thảo rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và quy định chi tiết, hướng dẫn đầy đủ các điều, khoản, điểm mà Luật Đất đai năm 2024, Nghị định của Chính phủ liên quan và những nội dung đặc thù của thành phố.

Dự thảo cũng hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh…

Dự thảo quyết định theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất; giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí, thất thoát, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Đáng chú ý, dự thảo quyết định tập trung rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp hoặc nằm xen kẹt, không có đường giao thông kết nối và việc giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp này. Hay việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, đưa ra các điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ để tách thành dự án độc lập đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định nội dung đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại đô thị và nông thôn… Điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất; xử lý các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở đặc thù công tác quy hoạch của Thủ đô, dự thảo quyết định cũng điều chỉnh quy định về tỉ lệ để tách thành dự án độc lập đối với dự án thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất mà khu vực thực hiện dự án có diện tích đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý từ 10% lên 20%.

TP. Hà Nội ưu tiên sử dụng quỹ đất đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 126, Luật Đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và hạn chế việc tách riêng các ô đất quy hoạch nhằm không làm ảnh hưởng đến điều kiện, tiêu chí của quỹ đất còn lại khi thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, 2 dự thảo quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn và quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai khi được ban hành sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dễ tiếp thu, các quy định có tính ổn định trên địa bàn thành phố và chỉ phải nghiên cứu một số ít quy định mới của Luật Đất đai năm 2024… Đặc biệt, sẽ khắc phục tình trạng đầu cơ, tích trữ đất đai; xây dựng các khu đô thị, nhà ở theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; lựa chọn được các nhà đầu tư bảo đảm năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá.

Quyết định cũng tăng một số chỉ tiêu nhằm tăng điều kiện sống tối thiểu của người dân; hạn chế trường hợp xây dựng cơi nới, tăng diện tích sàn sử dụng, dẫn đến tăng nguy cơ cháy nổ và tăng diện tích đất tái định cư tối thiểu lên 50m2 để có lợi hơn cho người có đất bị thu hồi...

Bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân trong việc sử dụng đất

Bên cạnh việc xây dựng 2 dự thảo quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn và quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về lĩnh vực đất đai, Hà Nội cũng đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất. Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2.

Đối với trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.

Về đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400m2. Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000m2. Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000m2.

Còn điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp, quy định này áp dụng cho đất không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định số 64-CP (ngày 27-9-1993) của Chính phủ về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nằm ngoài phạm vi khu vực dồn điền, đổi thửa.

Những ý kiến, kiến nghị của người dân và các địa phương là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội hoàn thiện dự thảo quy định về tách thửa, hợp thửa đất. Đặc biệt, việc tiếp thu, điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn sẽ giúp Hà Nội không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân trong việc sử dụng đất.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, việc chia tách thửa đất cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh. Các quy định về chia tách thửa đất phải cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Điều này đòi hỏi việc phân lô, tách thửa đất không chỉ tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, mà còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.

Ngoài ra, việc tách thửa đất cũng cần bảo đảm không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chất lượng cuộc sống trong các khu vực dân cư. Việc chia tách thửa đất về lâu dài cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững nhằm tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời, cần phải chú trọng đến việc duy trì các giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Thùy Chi

Top