Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô

03/02/2023 9:41 AM

(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, Hà Nội đang xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền Thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển; xây dựng và phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/Gia Huy

Thành ủy Hà Nội đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/1/2022 của BCH Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/1/2022 của BCH Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nghị quyết rất quan trọng, có tính chủ trương, định hướng trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của đất nước. Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị để triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội đang được xây dựng, bao gồm các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 2030. Dự kiến bao gồm 26 tiêu chí, chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, trong đó có: 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội, 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu vè trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, Hà Nội sẽ chủ động đẩy nhanh việc phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu CNH, HĐH Thủ đô, tập trung vào những chính sách như sau: Xây dựng tổ chức, bộ máy chính quyền Thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Nâng cao năng lực, sự chủ động về tài chính – ngân sách và huy động hiệu quả nguồn lực (trong và ngoài ngân sách) cho phát triển Thủ đô.

Phát triển bền vững đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển bao trùm và bền vững sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội của Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động.

Để thực hiện, các các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn và đặc thù của Thủ đô tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng.

Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học - công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai. Tiếp tục kiến nghị với Trung ương về việc giao Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao Hòa lạc, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo. Thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chủ lực.

Hà Nội cũng sẽ sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường trên địa bàn Hà Nội, xây dựng mô hình tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng chính quyền đô thị, tỉnh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.

Xây dựng cơ chế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách đặc thù, thí điểm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo đột phá về phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng công nghệ thông tin. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối với đô thị, nhất là khu vực ven đô, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng khu vực đô thị.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; ưu tiên nguồn lực tài chính nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nâng cao hiệu quả đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các ngành, các cấp liên quan trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao

Trọng dự thảo chương trình hành động, Thành ủy Hà Nội cũng đặt mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại. Căn cứ vào đặc điểm địa hình, vị trí địa lý, đặc điểm địa chất, thổ nhưỡng, mối liên kết Vùng để nghiên cứu, kế thừa hiện trạng, quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp và tổ chức không gian phát triển công nghiệp trên địa bàn Thủ đô phù hợp, tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao: Công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; Sản xuất phần mềm; Sản phẩm số, an toàn thông tin; Cơ điện tử; Công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo; Công nghệ sinh học, điện tử y sinh, công nghiệp dược...

Ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp - tập trung phát triển nhanh một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiên môi trường như: công nghệ vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm, thời trang cao cấp.

Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dự trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện, phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thành phố cũng sẽ lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải các - bon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên. Quan tâm phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh.

Phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô gắn với việc thực hiện cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO. Xây dựng Chương trình khuyến công quốc gia gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề.

Đẩy nhanh đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công viên phần mềm thành phố Hà Nội; đưa Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội đi vào hoạt động. Phát triển ngành công nghiệp ICT, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về CNTT trong và ngoài nước đầu tư vào Thành phố, đồng thời tạo ra hệ sinh thái để khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về công nghệ thông tin.

Gia Huy

Top