‘Hoàng Thành Thăng Long-Dấu ấn Vàng Son’: Lan tỏa giá trị áo dài Việt
(Chinhphu.vn) - Áo dài truyền thống là niềm tự hào của người Việt Nam, điều đó không thể phủ nhận. Từ những lễ nghi quan trọng của quốc gia đến sinh hoạt văn hóa thường ngày, mọi người đều có thể mặc bộ áo dài tăng thêm phần trang trọng. Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ bản sắc áo dài truyền thống cũng như lan truyền giá trị áo dài Việt ra bạn bè quốc tế là việc làm thiết thực.
Thực tế những năm qua, rất nhiều cơ quan, tổ chức đã có những cố gắng để quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa của áo dài truyền thống. Nhiều lễ hội áo dài, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhiều cuộc vận động mặc áo dài trong các kỳ lễ trọng liên tục diễn ra.
Nổi tiếng là một nhà thiết kế yêu áo dài và có nguồn cảm hứng vô tận với nghệ thuật truyền thống Việt, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang đã một lần nữa chinh phục công chúng với bộ sưu tập áo dài "Hoàng Thành Thăng Long – Dấu ấn Vàng Son".
Lấy cảm hứng từ quần thể di tích Hoàng Thành Thăng Long với những giá trị văn hóa, kiến trúc đồ sộ gắn liền với các triều đại phát triển rực rỡ của Việt Nam, bộ sưu tập áo dài "Hoàng thành Thăng Long – Dấu ấn Vàng Son" đã được lựa chọn xuất hiện trong "Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022) và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brunei (1992-2022)" tổ chức vào ngày 7/9 vừa qua.
Hoàng Thành Thăng Long là khu di tích lịch sử kinh thành Thăng Long xưa, gắn với một địa danh "lắng hồn núi sông ngàn năm" mà bất cứ người Việt nào cũng tự hào. Xuyên suốt những chiếc áo dài "Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn Vàng Son" không chỉ là những thiết kế thời trang, nghệ thuật mà còn là hiện hữu của niềm tự hào với lịch sử, văn hóa nghìn năm của đất nước.
Hình ảnh hoa văn, họa tiết tiêu biểu của những bộ áo dài này là sự kết hợp giữa rồng, phượng, hoa sen, lá bồ đề, gốm sứ,… gợi nhớ nguồn gốc, dòng dõi "con Rồng cháu Tiên" và nghìn năm kinh qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng - với nguồn cảm hứng từ những di vật khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long mang nét cổ xưa, huyền bí nhưng lại khiến người ta không ngừng muốn biết, muốn hiểu nhiều hơn về văn hóa Đông Kinh.
Điểm nhấn đặc biệt nhất là những tà áo dài với hình ảnh Rồng Thăng Long. Hình tượng rồng của các triều đại mà kinh đô đặt tại Thăng Long được coi là đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam. Rồng Thăng Long thể hiện sự cường thịnh, mang ý nghĩa về chính trị, là biểu trưng cho quyền lực, biểu tượng của trí tuệ và kết tinh tinh hoa của linh vật, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa đất nước, chẳng hề "lẫn lộn" với hình ảnh rồng hay linh vật của bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Dù ở triều đại nào thì hình ảnh Rồng Việt-Rồng Thăng Long đều có đặc điểm sáng tạo khác nhau, có phong cách riêng trong khi tiếp nối liền mạch phổ hệ rồng thiêng đất Việt, luôn là hình tượng cao đẹp, biểu trưng cho nguồn gốc, sức sống mãnh liệt và sự trường tồn của dân tộc.
Họa tiết thời Mạc phối hợp với hình ảnh Rồng Việt được thể hiện hoàn hảo, mang lại cảm giác tự hào dân tộc, trong khi vẫn bảo tồn được nét thanh lịch, trang nhã của tà áo dài truyền thống Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brunei, những chiếc áo dài "Hoàng Thành Thăng Long - Dấu ấn Vàng Son" được trình diễn bởi các nghệ sĩ, các nữ doanh nhân đại diện của Việt Nam thể hiện sự đoàn kết gắn bó, chung tay góp sức với mong muốn nét đẹp di sản văn hóa Việt Nam sẽ được quảng bá sâu rộng và đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Qua bộ sưu tâp, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang không chỉ thể hiện niềm tự hào của dân tộc mà còn thông qua những thiết kế áo dài của mình để tạo sự khích lệ, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống của đất nước.
Tại chuỗi sự kiện lễ khai mạc và hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Brunei, Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Văn Khoa nhấn mạnh: "Hy vọng chuỗi các hoạt động trong sự kiện lần này sẽ tạo ra một không gian văn hóa Việt Nam đa dạng sắc màu, mang đậm dấu ấn truyền thống, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng Brunei". Và chính những tà áo dài Việt cũng đã thể hiện xuất sắc mục tiêu đó.
Có thể thấy, theo dòng chảy của lịch sử, chiếc áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội, song nó vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
Thành Nam