Học sinh Hà Nội hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam

04/11/2024 5:21 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/11, tại Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn (quận Long Biên), Sở Tư pháp thành phố Hà Nội phối hợp với Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Học sinh Hà Nội hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam- Ảnh 1.

Phiên tòa giả định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại Trường THPT Thạch Bàn. Ảnh: Thống Nhất

Gần 2.100 học sinh Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn đã cùng trải nghiệm phiên tòa giả định với một vụ án có thật đã được các luật sư biên tập về nội dung và thay đổi tên cho nhân vật. Học sinh hiểu thêm về các quy định của pháp luật, nhất là về các quy định khi sử dụng mạng internet thông qua các câu hỏi giao lưu với luật sư.

Ngày 2/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, đại diện Sở Tư pháp thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh tại Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn được thực hiện thông qua mô hình "Phiên tòa giả định" với chủ đề pháp luật về an ninh mạng. Đây là mô hình mà thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh triển khai, nhất là trong đợt cao điểm tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật năm nay nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, qua đó giúp học sinh có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, đồng thời nhằm hình thành thói quen tuân thủ pháp luật của học sinh.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024, ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa tại các trường học trên địa bàn Hà Nội.

Học sinh Hà Nội hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam- Ảnh 2.

Học sinh đặt câu hỏi tìm hiểu về các quy định khi sử dụng mạng internet. Ảnh: Thống Nhất

Dự Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với quận Thanh Xuân tổ chức cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói, giáo dục toàn diện để phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ luôn là tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Con người phát triển toàn diện trước hết phải là con người hiểu biết các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội; tôn trọng, tuân thủ pháp luật.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.

Tuy nhiên, việc học tập và làm theo pháp luật không phải là việc một ngày. Ngành GD-ĐT, các nhà trường cần thường xuyên giảng dạy về pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh trong mỗi bài giảng, từng hoạt động. Việc học tập tuân thủ và làm theo pháp luật không phải là việc của một người, mà cần sự chung tay thực hiện, bởi Pháp luật là dành cho nhiều người.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tuân thủ pháp luật là cần thiết, phải thực hiện ngay từ bây giờ chứ không chờ đến khi là người lớn. Tuân tuân thủ pháp luật không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải thực hiện bằng hành động, không chỉ ở hoạt động chính khóa và cả các hoạt động ngoại khóa, trong sinh hoạt hàng ngày, không đợi người khác nhắc nhở mà cần tự giác thực hiện.

Minh Anh

Top