Hội nghị quân sự Trung Giã: Giá trị lịch sử và bài học quý cho xây dựng Thủ đô
(Chinhphu.vn) - 70 năm đã trôi qua, Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong đối ngoại quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hội nghị đã để lại những bài học kinh nghiệm quý, được Thành phố vận dụng xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2024, cả nước và Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 70 năm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp với một chuỗi các sự kiện: 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ (07/5/1954-07/5/2024), 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Đông Dương (20/7/1954-20/7/2024), 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Bên cạnh những sự kiện đó, huyện Sóc Sơn cũng long trọng kỷ niệm 70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã, một sự kiện quan trọng góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ, đem lại hòa bình cho Việt Nam, trực tiếp là cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần vào việc giải phóng Thủ đô Hà Nội, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giá trị lịch sử của Hội nghị quân sự Trung Giã
Cùng với Hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra Hội nghị bàn về các vấn đề do tình hình quân sự cụ thể tại chỗ đặt ra giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Đây là hội nghị phái đoàn quân sự Việt Nam tham dự với tư cách của người chiến thắng, với hào quang của chiến thắng Điện Biên phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Hội nghị đã thể hiện khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập của dân tộc 1945-1954.
Trải qua nhiều phiên họp, hai bên thống nhất thỏa thuận mỗi bên sẽ trở về căn cứ hoặc tập trung ở những vị trí đóng quân tạm thời nhằm tránh mọi sự xung đột có thể xảy ra. Đồng thời, Hội nghị thống nhất thực hiện lệnh ngừng bắn theo quyết định của Hội nghị Giơnevơ.
Đến ngày 27/7/1954, ngày Hội nghị quân sự Trung Giã bế mạc cũng là ngày quy định của Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam bắt đầu được thi hành tại Bắc Bộ và các chiến trường khác; mọi hoạt động quân sự sẽ được hạn chế và đi đến hoàn toàn chấm dứt vào ngày 11/8/1954.
Đoàn đại biểu ta tại Hội nghị Trung Giã. Ảnh: Tư liệu
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Tổng Chỉ huy các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương còn thống nhất việc tổ chức Ủy ban liên hợp ở Trung ương và các địa phương. Ngày 3/8/1954, Việt Nam và Pháp ký hiệp nghị về tổ chức Ủy ban liên hợp Trung ương.
Có thể thấy, sau 23 ngày đàm phán (từ ngày 4-27/7/1954), Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội nghị quân sự Trung Giã còn tham gia tạo dựng cơ sở cho Ủy ban liên hợp đình chiến hình thành và hoạt động.
Với những thỏa thuận đạt được, Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị Giơnevơ. Nói cách khác, Hội nghị quân sự Trung Giã giữ vai trò, vị trí quan trọng đối trong quá trình phối hợp với Hội nghị Giơnevơ và thực thi Hiệp định Giơnevơ.
Sự kiện quyết định đến giải phóng Thủ đô
Sau Hội nghị quân sự Trung Giã, hai phái đoàn đàm phán chuyển thực hiện nhiệm vụ của Hội nghị Ủy ban liên hợp đình chiến, ban đầu tiếp tục tại Trung Giã và sau đó, chuyển địa điểm về Phù Lỗ - một xã phía Nam của huyện Sóc Sơn, giáp với Đông Anh.
Ủy ban liên hiệp đình chiến sau này có sự tham gia của đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp định Giơnevơ và đại diện các quốc gia trong Liên Hợp Quốc, giám sát việc thực hiện những nội dung của Hiệp định Giơnevơ tại Việt Nam và Đông Dương, cũng như những thỏa thuận do hai phái đoàn quân sự Việt Nam và Pháp đã đạt được trong Hội nghị quân sự Trung Giã.
Đầu tháng 8/1954, tại nơi diễn ra Hội nghị Trung Giã, Bác Hồ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới thăm và chứng kiến hoạt động Ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương.
Từ ngày 17-25/9/1954, Hội nghị liên hiệp đình chiến đã tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể về việc Pháp rút quân và lực lượng của ta tiếp quản Hà Nội, đặc biệt là việc bàn giao các cơ quan, công sở, công trình công cộng, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Từ những nội dung trên đây có thể thấy, Hội nghị quân sự Trung Giã và sau này là Ủy ban liên hiệp đình chiến từ những vấn đề chung, đến những vấn đề cụ thể đã có quyết định đến việc giải phóng Thủ đô đúng theo những nội dung của Hiệp định đình chỉ chiến sự Giơnevơ.
Chia sẻ về những đóng góp của huyện Sóc Sơn đối với Hội nghị quân sự Trung Giã trong kháng chiến chống Pháp, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường cho biết, với vị trí nằm giáp với căn cứ địa Việt Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang), với hai tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 2 và Quốc lộ 3 đi qua, Sóc Sơn nằm trong "vành đai trắng" mà giặc Pháp xây dựng hòng chia cắt vùng hậu phương đồng bằng với căn cứ địa kháng chiến. Hàng loạt đồn bốt, lô cốt, boongke được Pháp xây dựng (Phù Lỗ, Tiên Dược, Núi Đôi, Xuân Giang, Hiền Ninh…), rất nhiều trận càn, dồn dân, lập tề… do Pháp thực hiện hòng bóp nghẹt các cơ sở kháng chiến.
Song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Đảng bộ, quân và dân Sóc Sơn vẫn tổ chức nhiều lực lượng, phong trào kháng chiến, đại đội bộ đội địa phương 470, 472 được thành lập, cùng du kích tổ chức nhiều trận đánh diệt gặc, trừ gian.
Năm 1950, quân dân Đa Phúc còn làm nên kỳ tích tạc nên khẩu hiệu "Hồ Chí Minh muôn năm" với chiều cao, chiều rộng mỗi con chữ 5 mét, sững sừng hiện lên trên dãy núi Sóc dài gần 5 km, ngay bên cạnh huyện lỵ Đa Phúc và đồn Núi Đôi do quân địch chiếm đóng.
Nhiều tấm gương anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu chống thực dân đã xuất hiện, tiêu biểu như: Chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc Nguyễn Văn Vấn (xã Lạc Long), giết giặc Tây giữa ban ngày tại chợ Đa Phúc, được Bác Hồ tặng thanh bảo kiếm, và đặc biệt là tấm gương Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Bắc - xã Lạc Long (Phù Linh ngày nay) - nguyên mẫu người nữ du kích trong bài thơ "Núi Đôi" nổi tiếng của nhà thơ Vũ Cao… Vinh dự được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quân sự quan trọng, Đảng bộ và nhân dân huyện đã đón nhận nhiệm vụ với tinh thần hồ hởi, vui mừng khôn xiết.
Niềm tự hào và khát vọng độc lập, tự do đã thôi thúc quân dân Sóc Sơn đem hết nhân lực và vật lực phục vụ Hội nghị, bảo vệ an toàn cho cuộc đàm phán thành công. Sau khi được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ, Huyện uỷ Đa Phúc tổ chức xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và phân công đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy trực tiếp xuống địa điểm diễn ra hội nghị tổ chức họp với xã Trung Giã, lên phương án bảo vệ, phục vụ hội nghị, trong đó, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự được đặt lên hàng đầu…
Không chỉ tham gia chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo vệ, phục vụ hội nghị, nhân dân Trung Giã còn cung cấp một phần lương thực, thực phẩm cho Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian diễn ra hội nghị.
Sau Hội nghị Trung Giã, Sóc Sơn cũng là địa bàn đầu tiên của Hà Nội hiện nay được giải phóng hoàn toàn vào ngày 13/8/1954.
Những bài học đáng quý cho công cuộc xây dựng Thủ đô hiện nay
Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường nhấn mạnh, thành công của Hội nghị quân sự Trung Giã nói riêng và thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp đã diễn ra cách đây 70 năm nhưng vẫn để lại nhiều bài học quý cho đất nước, dân tộc ta và trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay.
Đó là bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ cách mạng tháng Tám và sau đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến thắng Điện Biên phủ, thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ và Hội nghị quân sự Trung Giã… tất cả đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam với sứ mệnh vĩ đại giải phóng dân tộc, giải phóng Nhân dân, vì mục tiêu độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân;
Bài học về nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, chớp thời cơ, đường lối kháng chiến đúng đắn; bài học về sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đây là những bài học vô giá cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay.
Bài học về phát huy truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước" - điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đúc kết.
Chính lòng yêu nước là nhân tố quyết định tạo nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến, giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm bằng thắng lợi của trận Điện Biên phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", chúng ta bước vào các cuộc đàm phán tại hội nghị Giơnevơ và Hội nghị quân sự Trung Giã bên cạnh tư thế của người chiến thắng còn có khát vọng của một dân tộc yêu hòa bình, muốn chấm dứt chiến tranh, muốn làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới.
Chính điều này đã tạo nên thắng lợi không chỉ trong đàm phán và còn làm nên giá trị trường tồn, sức sống, sức ảnh hưởng của dân tộc Việt Nam. Hà Nội được tôn vinh là "Thành phồ vì hòa bình", "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"… Đó là những giá trị truyền thống cao quý mà Hà Nội cần gìn giữ và phát huy mãi mãi.
Bài học về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng, các cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nói chung đều là bài học quý báu về xây dựng thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân, ngày nay là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Minh Anh