Hội Nông dân TP. Hà Nội-Cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước và nông dân
(Chinhphu.vn) - Hội Nông dân TP. Hà Nội cần phải khẳng định vị thế trong xã hội và trong lòng người dân; đồng thời cần làm tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và Thành phố với nông dân, xây dựng các cấp Hội thật sự vững mạnh.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 đã khai mạc vào sáng nay (21/9). Dự đại hội có Bí thư TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương... cùng đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội. Về phía Hội Nông dân Việt Nam có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Ngoài ra, còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội Thành phố, lãnh đạo cấp ủy các quận, huyện, thị xã; lãnh đạo Hội Nông dân Thành phố các thời kỳ... Đặc biệt, đại hội có 344 đại biểu chính thức, những cán bộ, hội viên tiêu biểu đại diện cho trên 466.000 hội viên nông dân trên toàn Thành phố.
Nhiều kết quả nổi bật trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hà Nội
Phát biểu khai mạc đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội và phong trào nông dân Thủ đô luôn đón nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Trung ương và Thành phố.
Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Thành uỷ Hà Nội; sự tạo điều kiện của HĐND, UBND; sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân với các sở, ban ngành, đoàn thể Thành phố, các quận, huyện, thị xã; đặc biệt là sự năng động, đoàn kết, sáng tạo của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô, công tác Hội và phong trào nông dân TP. Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, kịp thời, bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền các hoạt động của Hội. Các phong trào Thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nâng cao về chất lượng.
Các cấp Hội tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển nguồn vốn, quỹ. Nhiều hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đến hội viên nông dân, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19…
Vị thế, uy tín của tổ chức Hội ngày càng khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ở nông thôn. Hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, XVII đề ra.
Với tinh thần "Đoàn kết - Trách nhiệm - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP. Hà Nội lần thứ X sẽ phát huy trí tuệ tập thể, nêu cao tinh thần và ý thức trách nhiệm trước cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô. Đại hội tập trung thảo luận, phân tích làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm và những nguyên nhân yếu kém, hạn chế nhiệm kỳ 2018-2023. Đồng thời chỉ ra những cơ hội, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô, để từ đó xác định đúng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác Hội trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, tạo bước phát triển mới đối với công tác Hội và phong trào nông dân góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hoạt động, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo và hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nông dân TP. Hà Nội khoá IX, nhiệm kỳ 2018-2023. Đồng thời tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028; bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân TP khoá X, nhiệm kỳ 2023 – 2028; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Để chào mừng Đại hội Hội Nông dân các cấp TP. Hà Nội, đến nay, đã có 1.368 công trình, phần việc, hoat động ý nghĩa tại 18 huyện, thị xã; 406 cơ sở Hội vượt 37% so với đăng ký thi đua (hàng cây nông dân kiểu mẫu; cánh đồng an toàn; hệ thống giới thiệu, kết nối và tiêu thụ nông sản; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi tổ hội nông dân nghề nghiệp; chương trình "Nghĩa tình nông dân Thủ đô – Đoàn kết và sẻ chia", hỗ trợ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn xây sửa nhà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm xã hội ....).
Phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 hôm nay là sự kiện chính trị quan trọng của các cấp Hội Nông dân thành phố và hội viên nông dân Thủ đô. Chúng ta vui mừng phấn khởi khi nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở đã đổi mới, sáng tạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trong công tác Hội và phong trào nông dân; tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của thành phố; bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả 10 chương trình công tác mà trọng tâm là Chương trình số 04 về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra.
Đồng thời Hội đã phát huy truyền thống lao động sáng tạo của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Thủ đô, với những kết quả đã đạt được, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các danh hiệu thi đua của Hội Nông dân Việt Nam cùng nhiều khen thưởng của thành phố.
Bên cạnh những kết quả tích cực, dự thảo Báo cáo chính trị của đại hội đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua của công tác Hội và phong trào nông dân thành phố.
Theo đó, để khắc phục hạn chế cần giải pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân, nâng cao vị thế của tổ chức Hội và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị đại hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam để đưa vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2023-2028. Bên cạnh đó Hội Nông dân TP. Hà Nội cần quan tâm một số nhiệm vụ chính. Điển hình như tổ chức Hội phải khẳng định vị thế trong xã hội và trong lòng người dân; làm tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước và Thành phố với nông dân, xây dựng các cấp Hội thật sự vững mạnh. Cùng với việc đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, đội ngũ cán bộ Hội cần sâu sát, nhiệt tình, hiểu biết sâu sắc về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân, phải thực sự đồng hành với nông dân Thủ đô; làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Hội Nông dân các cấp cần phát huy vai trò nòng cốt chính trị, tập trung quán triệt, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, định hướng lớn về thực hiện chính sách "tam nông" trong giai đoạn hiện nay, đó là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; quán triệt, tuyên truyền sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm là các chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) như: Chương trình số 04, Chương trình 06 và Chương trình 08 gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác Hội trong tình hình mới.
Đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả hơn nữa các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong hội viên nông dân, đặc biệt phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững... Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hội viên, nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới để mỗi người dân nông thôn thấy được mình là chủ thể, được tham gia bàn bạc dân chủ, quản lý, giám sát thi công các dự án xây dựng nông thôn mới của địa phương. Quan tâm chú trọng vận động nông dân tích cực bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn…
Hội Nông dân thành phố cần tăng cường hợp tác để học hỏi kinh nghiệm, chủ động nắm bắt và ứng dụng tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng địa phương, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Thủ đô; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả hoạt động của "Quỹ hỗ trợ nông dân", tăng cường các nguồn vốn ưu đãi cho nông dân, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp.
Trong hai ngày 20 và 21/9 đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Nông dân Thành phố Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Hội Nông dân thành phố đề ra 5 mục tiêu, 6 nhiệm vụ giải pháp, 2 khâu đột phá là chuyển đổi số và liên kết sản xuất.
Thiện Tâm