Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại
(Chinhphu.vn) - Ngày 27/9, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại (28/9).
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021).
Còn tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, hằng năm, Thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn.
Cụ thể, các năm 2017-2018, ngoài các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, Thành phố còn ghi nhận các ổ dịch dại trên động vật tại các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai. Năm 2020-2021 ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người tại hai quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên vì chủ quan không đi tiêm phòng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thành phố hiện có tổng đàn chó, mèo rất lớn dao động từ 421 nghìn đến 460 nghìn con và đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên việc nhận thức và hiểu các quy định về việc nuôi chó nhiều người chưa biết, chưa hiểu nên đã xảy ra tình trạng để chó thả rông ra đường, không xích, không rọ mõm, đặc biệt ở các khu công công, công viên, trường học… Từ đó tạo nhiều nguy hại tiềm ẩn, dẫn đến mắc bệnh dại.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, giai đoạn từ năm 2015-2021 Hà Nội có tới 16 người chết vì bệnh Dại (bình quân khoảng 3 người chết/năm), riêng năm 2014 có 5 người chết, năm 2018 đã có 3 người chết vì bệnh Dại. Hàng năm toàn thành phố có trên 10.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh Dại do động vật cắn hoặc tiếp xúc với động vật nghi mắc Dại (chủ yếu do chó cắn), kinh phí tiêu tốn cho việc khám chữa bệnh, điều trị sự phòng với một số kinh phí không nhỏ, khoảng trên 20 tỷ đồng.
Việc quản lý chó nuôi không tốt, để nhiều chó thả rông tạo tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân nhất là tại các nơi công cộng, vui trơi giải trí, công viên phố đi bộ; gây mất cảnh quản đô thị, vệ sinh môi trường.
Để thực hiện mục tiêu "Không có người chết vì bệnh dại từ năm 2030" mà Chính phủ đề ra, theo ông Vũ Cao Cương, cán bộ y tế Thủ đô cần tiếp tục tập trung tư vấn, tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh dại để từ đó người dân chủ động xử lý ngay vết thương khi bị chó, mèo cắn và đến cơ sở y tế để tiêm phòng kịp thời, tăng cường năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tại các điểm tiêm chủng.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Thú y trong việc giám sát, kiểm soát nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người, quản lý đàn vật nuôi, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Thiện Tâm