Kéo dài hoạt động phố đi bộ của quận Hoàn Kiếm dịp Quốc khánh
(Chinhphu.vn) - Đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã có thông báo về việc kéo dài hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024 để phục vụ nhân dân, du khách.
Theo đó, nhằm phục vụ người dân, du khách và tăng sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các Không gian đi bộ sẽ hoạt động liên tục từ ngày 30/8/2024 (thứ Sáu) đến hết ngày 3/9/2024 (thứ Ba).
Cụ thể, Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ hoạt động từ 19h00 ngày 30/8/2024 đến 24h00 ngày 3/9/2024. Các tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ sẽ hoạt động từ 19h00 đến 24h00 hằng ngày trong khoảng thời gian trên.
UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu các đơn vị bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, an toàn phòng cháy chữa cháy cho người dân và du khách.
Mỗi dịp nghỉ lễ 2/9, các không gian đi bộ trên địa bàn quận như Hồ Gươm được thành phố trang hoàng rực rỡ, nơi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí thú vị. Trong không gian phố đi bộ hồ Gươm, có khu phố cổ liền kề, có ẩm thực phong phú, đa dạng và hấp dẫn, được coi là một lựa chọn lý tưởng đối với du khách tham quan Thủ đô trong kỳ nghỉ lễ 2/9 này.
Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhiều điểm du lịch cũng được coi là điểm đến hấp dẫn và nhiều ý nghĩa với du khách trong dịp 2/9. Một trong những địa chỉ đỏ cách mạng tháng Tám là ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại đây. Sau đó bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Người trịnh trọng tuyên bố trước hơn 50 vạn đồng bào Thủ đô và thế giới vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Nhà Hát lớn Hà Nội, quận Hoàn Kiếm - nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29/8/1945 Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Vào ngày 2/9/1946 tại đây diễn ra cuộc mít tinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên tới Quảng trường, vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Cho đến năm 1994, nơi đây chính thức mang tên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.
Trong hành trình qua những di tích cách mạng, Cầu Long Biên một "chứng nhân lịch sử" của Hà Nội. Năm 1945, cây cầu là nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Quảng trường Ba Đình để nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945.
Minh Anh