Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tiên phong cho sự phát triển Thủ đô

27/11/2023 4:21 PM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra những chính sách và giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tiên phong cho sự phát triển Thủ đô- Ảnh 1.

Chiều 24/11, Bộ KHCN đã chính thức chuyển giao Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội sau ¼ thế kỷ thành lập - Ảnh: VGP

Đây được coi là một bước chuyển vượt bậc trong việc thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Thủ đô và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực này.

Phát triển khoa học công nghệ với giải pháp đặc thù, nổi trội

Mục tiêu của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Thủ đô, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô thông qua việc tận dụng tiềm năng của khoa học công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước. Để đạt được mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất một số giải pháp đặc thù và nổi trội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: Dự thảo Luật Thủ đô lần này đã có nhiều điểm mới thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…

Tại Dự thảo Luật cũng đề xuất những giải pháp đặc thù, trước hết là đổi mới mạnh mẽ và đột phá trong cơ chế quản lý khoa học, áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học công nghệ, quy định các trường hợp mua sắm thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu. Đồng thời, cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực ứng dụng và phát triển kết quả, sản phẩm phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô (Điều 25 khoản 2, điểm a). Điều này sẽ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô xác định các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô (Điều 25, khoản 1) và áp dụng các ưu đãi nổi trội để thu hút, phát huy tối đa tiềm lực của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ tham gia chủ trì, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm. Hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho việc thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong điểm tại các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ (Điều 25, khoản 2, điểm b, c). Các cơ chế hỗ trợ nổi trội đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ trọng điểm để giúp họ tham gia thuận lợi vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô (Điều 25, khoản 3).

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy Thủ đô đi đầu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Cụ thể, trong các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô và thực hiện thử nghiệm tại Khu công nghệ cao (Điều 41, khoản 2, điểm a). Thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ để đầu tư thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ (Điều 41, khoản 2, điểm c).

Dự thảo Luật cũng đề cập đến việc trao quyền cho thành phố Hà Nội lập quy hoạch và xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc từ trung ương về Hà Nội quản lý, phù hợp với quy hoạch chung về Khu công nghệ cao của Thủ đô (Điều 26). Đây là một giải pháp quan trọng, nổi trội nhằm tạo hạ tầng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội như Nghị quyết 15 –NQ/TƯ đã xác định.

Dự thảo Luật cũng áp dụng các chính sách, chế độ ưu đãi chung cao nhất trong Dự thảo Luật về thu hút, trọng dụng nhân tài là người Việt Nam và người nước ngoài trong lĩnh vực khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; về ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các dự án, ngành nghề, lĩnh vực khoa học công nghệ; về ưu đãi đầu tư cho các dự án sử dụng hoặc phát triển công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; xác định phát triển khoa học công nghệ là lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên trong liên kết Vùng Thủ đô.

Để chính quyền Thành phố Hà Nội có đủ thẩm quyền thực thi các chính sách, giải pháp đặc thù, nổi trội trên, Dự thảo Luật phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho HĐND, UBND Thành phố Hà Nội trong việc ban hành các văn bản pháp luật có tính đột phá (kể cả thử nghiệm có kiểm soát) về nội dung quản lý và trình tự, thủ tục thực hiện trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực đầu tư, quản lý nguồn nhân lực, sử dụng.

Góp ý về vấn đề khoa học, công nghệ của Thủ đô, chủ yếu tập trung vào Điều 25 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đề nghị khuyến khích và tạo thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thì cần sửa đổi, bổ sung và khoán các gói sản phẩm trung gian của đề tài. Sửa đổi Khoản 4, Điều 25 theo hướng giao UBND TP. Hà Nội xây dựng một chương trình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo hướng trọng tâm, trọng điểm có tính liên ngành, liên tục, giải quyết triệt để một số vấn đề hay lĩnh vực quan trọng nào đó mà thành phố cần gắn với sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu của thành phố.

Như vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đặt nền móng cho việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Thủ đô Hà Nội. Các chính sách và giải pháp được đề xuất trong dự thảo này sẽ tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong khu vực và trên thế giới.

Minh Anh

Top