Khơi dậy và lan tỏa văn hóa đọc

06/06/2022 6:35 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội vốn là nơi được đánh giá coi trọng văn hóa đọc, khi sở hữu hệ thống thư viện, nhà sách, nhà xuất bản, các không gian đọc sách, các hoạt động liên quan đến sách... rất phong phú. Bởi thực tế, vai trò của văn hóa đọc trong việc góp phần hình thành trí tuệ, nhân cách là không thể phủ nhận.

Thúc đẩy văn hóa đọc  - Ảnh 1.

Khuyến khích và phát triển văn hóa đọc Thủ đô. Ảnh: VGP/PL

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày nay nhiều người dần rời xa thói quen đọc sách, bên cạnh đó, phương thức tiếp cận với sách cũng thay đổi, không chỉ đọc sách giấy truyền thống, bạn đọc có thể tiếp cận với sách điện tử. Văn hóa đọc đang bị ảnh hưởng bởi các phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Tiktok, Instagram… dần chiếm hết thời gian rảnh trong ngày của mỗi người.

Khác với trước đây, khi cần tìm kiếm thông tin, các bạn trẻ phải đến các thư viện, hiệu sách để đọc sách thì ngày nay Internet đã trở thành công cụ hữu hiệu và tiện ích để con người tra cứu thông tin, vì thế văn hóa đọc trong bối cạnh công nghệ 4.0 đang mất ưu thế với sự nhanh chóng của Internet.

Bạn Nguyễn Thu Hằng (sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) chia sẻ: "Mình thường tìm hiểu thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu qua mạng, do đó mình rất ít khi đến thư viện hay đi tìm sách đọc. Hơn nữa thời gian học trên lớp, thời gian học thêm và tham gia một số câu lạc bộ khiến mình không có nhiều không gian và thời gian để chuyên tâm đọc sách".

Hay như bạn Minh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nay, có khá nhiều trang đọc sách online như Waka.vn, tramdoc.vn, sachvui.com…nên mình thường đọc sách trên đó, ít khi mình tìm đọc sách tại thư viện hay nhà sách…

Để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thời gian qua, thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, kế hoạch để đáp ứng nhu cầu và nhân rộng văn hóa đọc. Theo đó, Hà Nội tập trung tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng và phương pháp đọc cho người dân thông qua việc tổ chức: Ngày Sách Việt Nam; hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; trưng bày, triển lãm sách kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước tại thư viện thành phố, thư viện cấp huyện, thư viện trường học, thư viện cộng đồng… nhằm khuyến khích và phát triển hoạt động đọc sách trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Thành phố xây dựng, kiện toàn và củng cố hệ thống thư viện công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại địa phương; duy trì và phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

Tại các cấp cơ sở, huyện Ứng Hòa đặt ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 80% học sinh tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện trường, tủ sách cơ sở thường xuyên; mỗi thôn, tổ dân phố có 1 tủ sách cơ sở; 50% người dân sử dụng thư viện, tủ sách cơ sở có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí…

Đến năm 2025, huyện Thạch Thất tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao văn hóa đọc tại các thư viện công cộng, nhà học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; phấn đấu 20-25% người dân ở khu vực nông thôn, 15-20% người dân ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được tiếp cận sách, báo, tài liệu... nhằm nâng cao dân trí, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Nhằm phát triển văn hóa đọc của Thủ đô, thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2022, Thư viện Hà Nội đã triển khai luân chuyển sách xuống cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao trình độ dân trí của người dân.

Trong tháng 5/2022, Thư viện Hà Nội thực hiện luân chuyển 4.800 cuốn sách xuống 24 điểm là tủ sách cơ sở, thư viện tư nhân, bưu điện văn hóa xã, trường tiểu học, trung học cơ sở tại các huyện, thị xã như Phú Xuyên (7 điểm); thị xã Sơn Tây (5 điểm); huyện Phúc Thọ (6 điểm); huyện Mỹ Đức (1 điểm), huyện Ứng Hòa (3 điểm), huyện Chương Mỹ (2 điểm); phục vụ hơn 46.000 lượt bạn đọc, hơn 115.000 lượt tài liệu.

Thời gian tới, Thư viện Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện luân chuyển sách xuống thư viện, tủ sách cơ sở giúp người dân ở các địa phương, học sinh các trường học có cơ hội tiếp cận sách, cập nhật thường xuyên kiến thức.

Hoạt động này góp phần khơi dậy và tăng thêm niềm hứng thú đọc, yêu thích sách, tạo điều kiện tốt nhất giúp bạn đọc nâng cao nguồn tri thức phục vụ cho học tập, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức và kỹ năng của mình, từ đó phát triển văn hóa đọc Thủ đô.

Có thể thấy, các ngành văn hóa cũng như các cấp ngành liên quan đang đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc, không chỉ chuyển tải tri thức đến người dân theo một hình thức chính thống mà còn giữ gìn nét văn hóa đẹp từ bao đời nay của cha ông để lại.

Bên cạnh đó khi bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia đều cho rằng, cùng với xã hội và nhà trường, gia đình chính là "cái nôi" nuôi dưỡng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ. Ông bà, cha mẹ chính là những người gần gũi với con, cháu, phải là người dẫn dắt, hình thành cho con trẻ những lối sống, thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

Diệu Anh

Top