Không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường

24/01/2025 1:36 PM

(Chinhphu.vn) - Dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giá cả của các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua tăng nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.

Không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường- Ảnh 1.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân có xu hướng tăng. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Theo Báo cáo số 24-BC/BCS ngày 23/1/2025 của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, TP. Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các kế hoạch, để phục vụ nhân dân trên địa bàn đón Tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh.

Theo đó, thời điểm sắp diễn ra Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hoạt động kinh doanh, sản xuất diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân có xu hướng tăng; giá cả của các loại dịch vụ, hàng hóa về cơ bản có tăng nhẹ do sức mua tăng nhưng phù hợp với quy luật thị trường trong dịp này, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ gây mất ổn định thị trường.

Về mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng; giá rau, củ, quả đang giữ mức ổn định không có tình trạng tăng giá đột ngột hay thiếu hụt hàng hóa; về mặt hàng xăng dầu, tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong TP đều chấp hành đúng quy định, không có tình trạng găm hàng, cắt giảm thời gian, giảm số lượng bán hàng, tăng giá bất hợp lý.

Căn cứ vào dự báo về nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, UBND TP đã có chỉ đạo và định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đến nay, các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn hàng tăng trung bình từ 5%-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tăng cường 30%-35% hàng hóa tại các điểm bán sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85%- 90%); lượng hàng hóa luân chuyển về các chợ đã tăng 15-20% so với ngày thường. Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các hoạt động các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, TP để khai thác, đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết 2025; ban hành Kế hoạch tổ chức 70 điểm chợ Hoa Xuân phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố (chỉ đạo Sở Công Thương thành lập đoàn kiểm tra công tác triển khai, tổ chức các chợ Hoa Xuân trên địa bàn một số quận/huyện từ ngày 13/1/2025).

UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố kiểm tra, hướng dẫn cho phép xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24h trên địa bàn TP. Hà Nội để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ; tổng hợp thông tin giờ mở cửa của các đơn vị phân phối bán lẻ phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (Đến nay, đã có 1.313 địa điểm thông tin giờ mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết); hướng dẫn, tiếp nhận các chương trình khuyến mại trong dịp Tết Nguyên đán của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ ứng trực 24/24 bám sát địa bàn để kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật tránh tình trạng tư thương lợi dụng Tết Nguyên đán tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện thị xã chủ động xây dựng kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trong dịp Tết…

Thùy Linh

Top