Khuyến nông Thủ đô phấn đấu chuyển đổi 'kép': Số và xanh

26/04/2023 12:37 PM

(Chinhphu.vn) - Trong hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ khuyến nông. Đây là điểm nhấn đặc biệt của khuyến nông Thủ đô. Tuy nhiên, thời gian tới, Khuyến nông Hà Nội cần phấn đấu trong việc chuyển đổi "kép": Số và xanh.

Khuyến nông Thủ đô phấn đấu chuyển đổi "kép": Số và xanh - Ảnh 1.

Vườn nho Hợi Hường tại huyện Đan Phượng nhận được sự hỗ trợ của Khuyến nông Hà Nội, đến nay đã phát triển hiệu quả và thu hút nhiều khách tới tham quan. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, Quỹ khuyến nông Thành phố được thành lập theo Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 27/2/2002 của UBND Thành phố Hà Nội. Quỹ Khuyến nông hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận, ra đời nhằm khuyến khích hỗ trợ cho các hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn mở rộng và phát triển các mô hình Khuyến nông tiên tiến đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả, thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Trong hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ khuyến nông. Đây là điểm nhấn đặc biệt của khuyến nông thành phố. Nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu cho quỹ khi thành lập là 5 tỷ đồng và được cấp bổ sung hàng năm. Tính đến hết năm 2022, tổng nguồn kinh phí quỹ là hơn 213 tỷ đồng. Trong 20 năm hoạt động (2002 - 2022), quỹ đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 925 tỷ đồng trong đó: Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất cho 4.011 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 796 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển cơ giới hóa cho 321 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 128 tỷ đồng.

Hiệu quả trong công tác triển khai, quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ Khuyến nông đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 nghìn lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng /người/tháng (tổng hợp theo số liệu báo cáo của các hộ vay vốn), qua đó tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và tiến tới xuất khẩu. Giá trị sản phẩm của các phương án, dự án tăng từ 10 - 30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông Thành phố.

Bên cạnh đó, quỹ đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, đồng thời đã góp phần nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Quỹ cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 10 nghìn lao động nông thôn, góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, tạo giá trị sản phẩm hàng hoá đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha canh tác/năm, những mô hình điểm đạt 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm.

TS. Lê Hưng Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tây cho biết, 30 năm qua, Khuyến nông Hà Nội đã tạo dựng được màu sắc, thương hiệu riêng, với những điểm nhấn nổi bật như: Mức tăng trưởng nông nghiệp cao, số lượng sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới, doanh thu/ha đất nông nghiệp (trung bình trên 200 triệu, cao nhất như Đan Phượng 425 triệu đồng/ha/năm) và năng suất lao động nông nghiệp (50 triệu đồng/năm/người), tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%… Đặc biệt là có bản sắc nông nghiệp Thủ đô trong việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ (kỹ nghệ) trên địa bàn nông thôn đang đô thị hóa (nông thị), xây dựng quỹ Khuyến nông đầu tiên (200 tỷ đồng).

Sắp tới Hà Nội sẽ là siêu đô thị thông minh, các quận, huyện Hà Nội là quận, huyện sinh thái; là cực tăng trưởng tầm khu vực và đầu tàu của cả nước, cùng với bề dày văn hóa ngàn năm và lợi thế thị trường (gần với 1,5 tỷ dân phía Bắc). Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cùng cả hệ thống chính trị cần phấn đấu lên tầm cao có những mục tiêu mới trong thời đại mới, hiện đại, bền vững hơn.

Tuy nhiên, Khuyến nông Thủ đô cũng cần khắc phục những điểm còn chưa sáng trong bức tranh khuyến nông như còn chậm về công nghệ, về hợp tác công tư và hợp tác quốc tế; mảng tư vấn và dịch vụ; nâng cao chất lượng xây dựng chính sách khuyến nông để có những đột phá mới.

Theo ông Lê Hưng Quốc, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần phấn đấu trong việc chuyển đổi "kép": Số và xanh. Trong đó, chuyển đổi số là hiện đại hóa, là xu thế phổ quát của thời đại công nghệ, là bước tiến hóa mới, là công nghệ cốt lõi vì đối tượng phục vụ là nông dân Hà Nội có ưu điểm thông thái, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, năng suất, chất lượng, hiệu quả nông nghiệp đã ở mức cao hơn vùng khác. Bên cạnh đó, đơn vị cần trở thành Trung tâm số, khuyến nông viên cần trở thành khuyến nông viên số. "Từ "trông trời, trông đất, trông mây", bây giờ là làm nông nghiệp truyền thống kết hợp "dữ liệu trên mây". Từ chiếm lĩnh đồng ruộng là chủ yếu, bây giờ thêm cả chiếm lĩnh "thế trận" mạng"- ông Hưng nhấn mạnh.

"Xanh" là phát triển bền vững trong nhiều chỉ tiêu, thì chỉ tiêu quan trọng nhất là giảm khí phát thải. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần phấn đấu là Trung tâm Khuyến nông đi đầu bán khí phát thải trong cả nước; qua đó giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân và giá trị cho nông nghiệp, khắc phục việc đốt rơm rạ và ô nhiễm không khí, đất, nước…

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình Khuyến nông Hà Nội bền vững (cộng với HTX nông nghiệp kiểu mới). Đó là mô hình có sự tham gia của người dân. Bài học thành công nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là có người dân tham gia (hiến công, hiến đất, quản trị, quản lý). Vì vậy, chương trình khuyến nông bền vững là hậu chương trình, dự án khuyến nông có HTX tiếp tục mở rộng. Như thế, khuyến nông sẽ góp phần xây dựng thế hệ HTX nông nghiệp kiểu mới, thế hệ doanh nhân nông nghiệp mới, hóa thân vào nông dân thế hệ mới, thực hiện cơ chế hợp tác công tư, dịch vụ khuyến nông.

Cùng với Chi cục Phát triển Nông thôn, đơn vị khuyến nông cần kết hợp xây dựng thương hiệu OCOP bằng cả văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng không gian di sản vào thương hiệu và địa chỉ du lịch nông nghiệp, tăng thêm giá trị sản vật đất kinh đô, ví dụ như: Các di sản Hùng Vương (trong lúa gạo, ẩm thực, làng nghề), di sản Thánh Gióng (vào mây, tre, đan, thủ công mĩ nghệ), di sản Vạn Phúc (vào tơ, lụa, sợi, dệt, may…).

Thiện Tâm

Top