Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc
(Chinhphu.vn) - Theo Cục thống kê Hà Nội, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 1.535 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng này, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hàng dệt, may đạt 248 triệu USD, tăng 17,1%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 178 triệu USD, tăng 29%; máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 178 triệu USD, tăng 0,8%; xăng dầu đạt 126 triệu USD, tăng 82,7%; hàng nông sản đạt 102 triệu USD, tăng 61%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 79 triệu USD, tăng 27,2%; hàng hóa khác đạt 386 triệu USD, tăng 32,9%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: Phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh; điện thoại và linh kiện ..
Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 9.842 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 1.492 triệu USD, tăng 29,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.260 triệu USD, tăng 22,3%; xăng dầu đạt 774 triệu USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; hàng nông sản đạt 539 triệu USD, tăng 23,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 519 triệu USD, tăng 27,9%; hàng hóa khác đạt 2.544 triệu USD, tăng 16,6%.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người mắc đang giảm mạnh, Hà Nội đang khuyến khích thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI. Thành phố tạo mọi điều kiện và thường xuyên lắng nghe, trao đổi, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh, hàng hóa sản xuất đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.
Còn theo đánh giá của Bộ Công thương dự báo thời gian tới xuất khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc bởi sự phục hồi của kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản. Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Minh Anh