Kinh tế Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực

12/09/2024 11:20 AM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế của Thủ đô đã có nhiều sự chuyển biến tích cực như sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, thu hút đầu tư tăng trưởng khá,...

Kinh tế Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực- Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tiếp đà phục hồi tích cực. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhiều chỉ số tăng trưởng, cải thiện rõ

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội, kinh tế Thủ đô tiếp tục duy trì tăng trưởng. TP. Hà Nội đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

8 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của Hà Nội tiếp tục đà phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.

Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2024 có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%.

Năm 2024, thành phố Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công, dồn nguồn lực để sớm hoàn thiện các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 8, ước tính đạt 7.325 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với thực hiện tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm 2024.

Trong đó, một số công trình, dự án nổi bật như dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 61,9% kế hoạch vốn và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm nay; Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân 80,9% kế hoạch vốn và dự kiến hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 10 tới chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)…

Tính chung 8 tháng năm 2024, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 20,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 198,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 7,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11% và 19,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21%. Những con số này cho thấy, hoạt động khởi nghiệp nhìn chung còn gặp không ít khó khăn.

Một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Thủ đô là trong 8 tháng, toàn Thành phố đã thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD. Như vậy, Hà Nội vẫn duy trì là điểm đến an toàn, đầy tiềm năng cũng như vị thế hấp dẫn vốn đầu tư của cả nước.

Cùng với đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Đáng ghi nhận là, khu vực kinh tế trong nước đạt kim ngạch 7,3 tỷ USD, tăng 17,9% - là mức tăng khá mạnh, trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,9%. Thực tế trên cho thấy, khối doanh nghiệp nội địa đang có sự bứt phá cao hơn so với doanh nghiệp có vốn nước ngoài và đó là chuyển biến tích cực.

Có thể thấy, hầu hết các chỉ số quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định sức sống và kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô đều đang cải thiện, tăng trưởng khá rõ, thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ. Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Tăng cường cải cách, đẩy mạnh chuyển đổi số

Sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ đồng thuận cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng Luật. Với các quy định phân cấp, phân quyền mạnh, đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để Hà Nội thực hiện thuận lợi các nhiệm vụ, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, TP. Hà Nội đề nghị các sở, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, chuyển hóa quyết tâm thành hành động. Chính quyền TP. Hà Nội đang kiên trì hoạt động cải cách, với quan điểm xuyên suốt là đồng hành, thông qua những biện pháp thiết thực vì doanh nghiệp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đẩy mạnh giao thương, triển khai chuyển đổi số…

Hiện các sở, ngành chức năng vẫn đang nỗ lực vào cuộc, nhất là chủ động nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Đáng ghi nhận là, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, theo dõi sự tác động của các cơ chế, chính sách, kịp thời đề xuất điều chỉnh để bảo đảm phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.

Cùng với đó, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với điều kiện khách quan và nhu cầu phát triển, nhằm khơi thông, giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển ngành.

Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp, giải quyết tồn tại ở các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động; xây dựng kế hoạch và thực hiện chỉnh trang hạ tầng các cụm công nghiệp; tiếp tục tập trung đôn đốc khởi công các cụm công nghiệp khác.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề…

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024. Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình; xử lý hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán theo quy định; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới.

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo định hướng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố.

Đối với kích cầu tiêu dùng, Thành phố đề nghị tập trung quyết liệt cho các hình thức khuyến mại, các biện pháp phát triển du lịch, kích cầu du lịch; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực…

Diệu Anh

Top