Xây dựng dự án gắn kết mô hình kinh tế với tín dụng chính sách xã hội

09/07/2024 8:20 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách, chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Xây dựng dự án gắn kết mô hình kinh tế với tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích trong thực hiện Chỉ thị - Ảnh: VGP/GH

Chiều 9/7, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" trên địa bàn Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, hiện nay, toàn thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách; doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30-4-2024 là gần 38.760 tỷ đồng với trên 1 triêu hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 28.078 tỷ đồng.

Tổng dư nợ 19 chương trình tín dụng đến 30/4/2024 đạt gần 15.400 tỷ đồng với trên 272.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 10.676 tỷ đồng so với đầu năm 2014.

Trong 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Hà Nội luôn coi tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp căn cơ, trọng điểm để triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội thành phố cũng đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương trong việc quản lý và củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, hằng năm HĐND, UBND các cấp đã quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đạt 15.452 tỷ đồng, tăng 10.715 tỷ đồng (226%) so với năm 2014. Trong đó: Nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 8.713 tỷ đồng, tăng 7.616 tỷ đồng (694%) so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 56% trên tổng nguồn vốn cho vay.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Chỉ thị số 40-CT/TƯ trên địa bàn Hà Nội. Đồng mong muốn, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân; lồng ghép các mục tiêu tín dụng chính sách vào các mục tiêu của địa phương qua đó thực hiện tốt các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra khi triển khai chính sách tín dụng xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, trong 10 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã được triển khai một cách nghiêm túc, bài bản, gắn với cơ chế đặc thù của thành phố Hà Nội. Qua đó đã góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TƯ, Kết luận số 06-KL/TƯ của Ban Bí thư, chủ trương của thành phố về tín dụng chính sách xã hội, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, của Chủ tịch UBND cấp xã, của các tổ chức chính trị - xã hội… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, vận động, bình xét đối tượng vay vốn đoàn viên, hội viên trong việc vay vốn; hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị, các cấp, các ngành, các tổ chức và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với việc triển khai tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Bên cạnh đó, xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và trong từng giai đoạn; đưa nội dung triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí nguồn lực tại địa phương, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Gia Huy

Top