Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch
(Chinhphu.vn) - Tối 12/11, Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và giới thiệu các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố Hà Nội; lãnh đạo Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, toàn thể nhân dân thị xã Sơn Tây; các đơn vị doanh nghiệp đã tài trợ đồng hành cùng với chương trình Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ như Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, Công ty TNHH Thung Lũng Vua - Tập đoàn BRG …
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển văn hóa và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc", "Văn hóa còn thì dân tộc còn" và các chương trình, nghị quyết của Thành ủy về phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây đã triển khai một cách sáng tạo, bài bản và đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch, trong đó có Thành cổ Sơn Tây.
"Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch được Thị xã tổ chức hôm nay là một hoạt động rất ý nghĩa, nằm trong chuỗi hoạt động của "Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài", "Về Sơn Tây - về miền di sản" và đây sẽ là một trong những tiền đề quan trọng nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của Thị xã trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi xin chúc mừng và chia sẻ niềm vinh dự, tự hào này với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây", đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thị xã nói chung và giá trị của Thành cổ Sơn Tây nói riêng, trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. Tập trung bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn, như: "Làng cổ Đường Lâm", "Đền Và", "Văn Miếu", "Thành cổ",... gắn với phát huy hiệu quả lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và ẩm thực.
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Sơn Tây thông qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động của "Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài" và phát huy hiệu quả hoạt động của Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây trở thành một trong những không gian văn hóa đặc biệt của thị xã và khu vực; đẩy mạnh công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; chú trọng chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các sở, ngành, các địa phương quan tâm phối hợp cùng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô và Thị xã, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; đưa thị xã Sơn Tây sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị của vùng xứ Đoài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là "Di tích cấp quốc gia đặc biệt".
Đưa Sơn Tây trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch
Tại buổi lễ, thay mặt Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn đã cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của Thị xã trong những năm qua.
Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây, với mục tiêu tạo chuỗi kết nối hoàn chỉnh và xúc tiến, đầu tư phát triển du lịch, thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, như Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây và nhiều hoạt động văn hóa tại không gian tuyến phố đi bộ; phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, kết nối tour, tuyến nhằm phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tâm linh, ẩm thực… của Sơn Tây và các địa phương; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm tại di tích Thành cổ nhằm giáo dục truyền thống, ý thức bảo tồn di sản, khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa trong thế hệ trẻ; phối hợp tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế đầu tiên tại Thị xã và khu vực...
"Đây là những sự kiện lớn trong Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2022, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 17 Ngày Di sản văn hóa Việt Nam ( 23/11 ), thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công xây dựng đất nước trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp để thị xã tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, quảng bá các sản phẩm, điểm đến du lịch đặc sắc của Thị xã, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị", đồng chí Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Bí thư Thị ủy Sơn Tây tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các đơn vị, hiệp hội, các trung tâm xúc tiến, trung tâm lữ hành hãy tăng cường đầu tư, hợp tác, liên kết, ký kết, giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ, phối hợp điều hành đưa đón khách tham quan du lịch đến với Sơn Tây, để ngành kinh tế du lịch, dịch vụ của Thị xã ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Thủ đô.
Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 "trọng trấn" quan trọng của đất Thăng Long xưa, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là tòa thành cổ được xây bằng đá ong duy nhất của Việt Nam, là hiện thân cho một giai đoạn trong lịch sử đất nước, minh chứng thuyết phục cho sức mạnh, lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng vật liệu, kiến trúc xây dựng độc đáo, năm 1994 Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là "Di tích lịch sử cấp quốc gia".
Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây đã và đang góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này về ý nghĩa lịch sử, đồng thời khơi dậy tiềm năng, xúc tiến phát triển du lịch văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của Sơn Tây - xứ Đoài.
Minh Anh