Lan tỏa nét đẹp trong tổ chức việc cưới văn minh

04/08/2023 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Qua 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới tại Hà Nội, nhiều mô hình cưới mới được lan tỏa tại các địa phương như: Không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra một ngàytổ chức tiệc trà, lễ trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường... đem lại nét đẹp trong cộng đồng dân cư.

Lan tỏa nét đẹp trong tổ chức việc cưới văn minh - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong đề nghị, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý phải thực sự gương mẫu đi đầu, là tấm gương sáng trong thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh - Ảnh: VGP/GH

Sáng 4/8, tại huyện Đan Phượng, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành uỷ Hà Nội (khoá XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội”.

Việc cưới được tổ chức với tinh thần “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, nhìn chung trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét.

Theo số liệu thống kê 10 năm (2012 - 2022) trên địa bàn TP. Hà Nội có tổng số đám cưới được tổ chức là trên 481.900; trong đó số đám cưới thực hiện theo quy định là trên 437.000, đạt 90,71%. Số đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm là trên 64.400, là 13,37%.

Nhiều mô hình cưới mới được tổ chức tại các địa phương như: Tổ chức tiệc trà, lễ trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã; không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra một ngày, không mời tràn lan… đang được nhiều gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và dần duy trì thành nếp.

Các tổ chức, đoàn thể như Thành đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Hà Nội, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tiếp tục nhân rộng mô hình điểm thực hiện đám cưới theo nếp sống văn minh, tiết kiệm. Trong đó, tập trung vào đối tượng thanh niên các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, với những cách làm sáng tạo, hiệu quả thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức cưới tập thể, tiết kiệm, văn minh cho hàng nghìn cặp đôi trên địa bàn, nhiều lễ cưới được tổ chức có quy mô, nhưng vẫn đảm bảo tính văn minh như: Lễ cưới cho 25 cặp đôi ở Đan Phượng, lễ cưới cho 20 cặp đôi ở Tây Hồ; tổ chức đám cưới cho 20 cặp đôi trẻ theo nếp sống mới và “Đám cưới vàng” cho 20 cặp cụ ông - cụ bà chung sống vợ chồng hạnh phúc từ 50 năm trở lên để tôn vinh hạnh phúc gia đình.

Tại quận Hà Đông, theo Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường, sau 10 năm thực hiện, hiệu quả thể hiện rõ nét qua các con số, trước đây, việc cưới thực hiện đúng theo nội dung của Chương trình chỉ đạt 60,8%, đến nay, thực hiện tốt đạt 98,4%. Tuy nhiên, là quận có diện tích rộng, xu hướng tổ chức cưới xa hoa, lãng phí vẫn diễn ra khá phổ biến, hiện tượng tảo hôn, ăn cỗ dài ngày, thuê nhạc sống, tổ chức hát múa quá giờ quy định... Có đám cưới tổ chức ăn uống linh đình từ 2-3 ngày với 150-200 mâm cỗ và tổ chức ở nhiều địa điểm, tổ chức trong giờ hành chính, mời khách tràn lan với số lượng lớn, bắc rạp ngoài đường quá lớn gây cản trở giao thông.

Còn tại huyện Đan Phương, việc cưới trên địa bàn huyện Đan Phượng được tổ chức gọn nhẹ; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần “vui tươi – lành mạnh – tiết kiệm”, không kéo dài; Số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người; Không tổ chức tiệc cưới nhiều lần. Nhiều thủ tục như việc cưới như chạm ngõ, ăn hỏi thường được tổ chức trong 1 ngày…

Tại quận Long Biên,  từ năm 2012 đến hết năm 2021, đã có trên 16.300 đôi kết hôn, trong đó có 16.182 đôi nam nữ thực hiện cưới theo nếp sống văn hóa “vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”. Nhiều gia đình đã chọn hình thức tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, tổ chức lễ hằng thuận tại các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức đám cưới tập thể, không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, nhiều ngày; không mở nhạc trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh và trật tự an ninh, an toàn xã hội...

Bên cạnh kết quả đạt được, đánh giá của Thành ủy Hà Nội cho thấy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần Chỉ thị 11-CT/TU vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa tầm quan trọng và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần là tấm gương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhận định, trên cơ sở Chỉ thị 11-CT/TU, các địa phương, đặc biệt là đoàn thể chính trị, xã hội đã tham gia tích cực, có nhiều cách làm sáng tạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên và người dân, góp phần đưa Chỉ thị đi vào cuộc sống.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới của Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền đối với việc quán triệt, tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương trong tổ chức đám cưới văn minh. Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nội dung quy ước, hương ước, nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay có tính khả thi cao để triển khai rộng rãi trong Nhân dân.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý phải thực sự gương mẫu đi đầu, là tấm gương sáng trong thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh, tăng cường vai trò nêu gương trong thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố tới cơ sở chú trọng tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới gắn với các phong trào thi đua, phong trào, cuộc vận động.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của các cấp ủy, của chính quyền các cấp đối với cán bộ, đảng viên về thực hiện nếp sống vă minh trong việc cưới, đảm bảo việc nêu gương cho quần chúng. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Gia Huy

Top