Xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ cơ sở
(Chinhphu.vn) - Để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, trong thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua, trong đó có xây dựng văn minh đô thị từ chính cơ sở.
Phường văn hóa trong xây dựng văn minh đô thị
Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt của Hà Nội. Triển khai kế hoạch về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, các phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đang vào cuộc triển khai nhằm góp phần đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.
Xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị nhằm tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, hiện đại, xây dựng nếp sống văn minh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Trong đó, Thành phố đặt ra nhiệm vụ tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nét thanh lịch của người Hà Nội, tạo lập thói quen, hình thành nếp sống văn minh, lối sống văn hóa phù hợp với thế giới hiện đại.
Để xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, quận Tây Hồ đưa ra mục tiêu 40% phường, thị trấn đạt chuẩn vào năm 2025, bằng với mục tiêu của thành phố đưa ra; phấn đấu 8/8 phường đạt tiêu chí "Phường văn hoá".
Sáng tạo của quận Tây Hồ là phấn đưa ra mô hình "Phường văn hoá" trong thực hiện các phong trào văn hoá, xây dựng đô thị văn minh. Phường đạt danh hiệu văn hóa phải có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố văn hóa; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm; người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch; không cởi trần, chửi bậy, đánh nhau, say rượu, bia gây mất trật tự công cộng…
Triển khai mục tiêu này, đến hết năm 2021, toàn quận đã có 5 phường đạt chuẩn "Phường văn hoá". Việc đạt các tiêu chí "Phường văn hoá" giúp nhiều địa phương từng bước tiệm cận với tiêu chí phường chuẩn văn minh đô thị.
Để "về đích" phường chuẩn văn minh đô thị đúng như dự kiến vào năm 2025, quận Đống Đa đang nâng cấp, cải tạo 109 vườn hoa, sân chơi, 157 nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, quận hướng dẫn các phường quy hoạch đất, dành mặt bằng để xây dựng mới khu vui chơi, điểm sinh hoạt công cộng.
Một trong những tiêu chí của phường văn minh là bố trí các điểm vui chơi công cộng trên địa bàn, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã triển khai xã hội hóa cải tạo mặt bằng và thiết bị vui chơi tại 3 tổ dân phố. Từ khi tổ dân phố có sân chơi ngoài trời với nhiều thiết bị tập thể dục được lắp đặt, người lớn và trẻ em đã có thêm nơi rèn luyện sức khỏe và vui chơi, giải trí… Đây cũng là biện pháp hiệu quả nhằm biến các khu đất trống thành sân chơi phục vụ lợi ích cộng đồng đang được các phường ngoài đê sông Hồng của các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm thực hiện.
Tại quận Ba Đình, các phường: Giảng Võ, Cống Vị, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Ngọc Khánh, Thành Công đã tổ chức hoạt động "Sân chơi cuối tuần" cho thanh, thiếu nhi. Qua mô hình này, tổ chức Đoàn Thanh niên đã đồng hành và nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, mang đến cho các em nhỏ nhiều hoạt động vui chơi, rèn luyện tinh thần đoàn kết, đáp ứng được nhu cầu vui chơi lành mạnh của thiếu nhi trong dịp hè.
Quận Ba Đình chọn phường Điện Biên trở thành phường điểm để xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Từ khi triển khai, cảnh quan môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn đã có nhiều cải thiện. Phường đã phân công lực lượng cụ thể, kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về bán hàng rong không đúng quy định, vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Triển khai kế hoạch xây dựng phường văn minh, quận Thanh Xuân tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường, nhất là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, chống rác thải nhựa; mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên, tiêu dùng xanh và thân thiện môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng gia đình văn hóa, qua đó gắn kết cộng đồng dân cư trong việc thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Quận đặt ra chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2026, toàn quận có 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% phường có thiết chế văn hoá, thể thao; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 86-88% gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hoá hàng năm.
Huy động nguồn lực xã hội xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa
Triển khai kế hoạch của TP. Hà Nội về nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2022-2025, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã đăng ký thực hiện chương trình, tuy nhiên tại một số địa bàn, việc đăng ký số phường đạt chuẩn văn minh đô thị còn thấp.
Nhiều địa phương "kêu khó" trong triển khai các tiêu chí. Bởi phường đạt chuẩn văn minh đô thị có tới 9 tiêu chí lớn bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá, đó là các tiêu chí về: Quy hoạch đô thị; Giao thông đô thị; Môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; An ninh, trật tự đô thị; Thông tin, truyền thông đô thị; Văn hóa, thể thao đô thị; Y tế, giáo dục đô thị; Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.
Với một số phường, khó nhất vẫn là tiêu chí văn hoá, thể thao, thí dụ các tiêu chí như: 90% tổ dân phố thuộc phường; 80% tổ dân phố thuộc thị trấn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, hoạt động thường xuyên, hiệu quả; hoặc Nhà văn hóa có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, được quản lý sử dụng đúng mục đích.
Để tháo gỡ vướng mắc này, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa.
Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, có tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Nội dung này sẽ tạo điều kiện cho các phường, xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn văn minh đô thị.
Gia Huy