Lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh: Hướng tới phát triển bền vững
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, thành phố Hà Nội đang tích cực thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, hướng tới xây dựng một đô thị bền vững và thân thiện với môi trường.

Các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường ngày càng được người dân quan tâm, lựa chọn. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Người tiêu dùng dần thay đổi thói quen
Tiêu dùng xanh là một xu hướng tiêu dùng bền vững, trong đó người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái tự nhiên. Điều này bao gồm việc mua sắm các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tái chế, có khả năng phân hủy sinh học, sử dụng ít hóa chất độc hại và tiêu thụ ít năng lượng trong quá trình sản xuất và sử dụng.
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng phát triển. Nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, đã bắt đầu ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cũng đang chuyển mình để đáp ứng nhu cầu này bằng cách sản xuất các sản phẩm xanh và áp dụng các quy trình sản xuất bền vững.
Người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chị Nguyễn Hương Giang (28 tuổi, sống tại Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, đã hơn một năm chị không dùng túi nilon. "Mỗi lần đi chợ, tôi đều chuẩn bị sẵn vài chiếc túi vải, hộp xốp…để đựng rau, thịt,…nhằm hướng tới lối sống xanh. Và dần dần điều này đã trở thành thói quen của tôi hằng ngày", chị Giang nói.
Hay như bác Đỗ Thu (68 tuổi) cho hay, bác thường mang làn đi chợ, tất cả thực phẩm bác mua sẽ cho vào làn và mang về chế biến chứ không dùng túi nilon. "Tôi thường xách làn đi chợ để hạn chế dùng túi nilon, góp phần nhỏ vào giảm ô nhiễm môi trường của chúng ta".
Bà Bùi Thị Mơ (tiểu thương chợ Vĩnh Phúc, Hà Nội) cho biết: "Trước giờ, tôi quen khi bán hàng thường dùng túi nilon, bây giờ nhiều người đến mua rau cứ nhắc mình buộc bằng dây hoặc không cần túi. Lúc đầu cũng thấy mất thời gian nhưng giờ tôi cũng tự động bỏ nilon đi nếu không cần thiết".
Nhiều siêu thị như WinMart, Fujimart, Go!,… cũng đã chuyển sang sử dụng bao bì phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. Một số siêu thị đã áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá khi khách hàng sử dụng túi vải, hoặc mua sản phẩm sử dụng bao bì sinh thái. Điều này không chỉ thúc đẩy người tiêu dùng tham gia vào xu hướng tiêu dùng xanh, mà còn tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, khuyến khích nhiều người hơn cùng hành động vì môi trường.
Hiện nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị thương hiệu. Các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Bác Tôm và Sói Biển cam kết cung cấp sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP, đồng thời sử dụng bao bì thân thiện với môi trường như túi vải và hộp giấy.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình nhằm thúc đẩy tiêu dùng xanh, như Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố đã hỗ trợ hơn 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành sơn mài, gốm sứ, nhóm ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ; kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sản;…
Theo các chuyên gia, để tiêu dùng xanh trở thành xu hướng chủ đạo, cần sự đồng hành của cả ba trụ cột: người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Người tiêu dùng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng từ thói quen "tiện lợi, rẻ" sang "xanh, bền vững"; doanh nghiệp phải cam kết minh bạch nguồn gốc sản phẩm, đầu tư vào công nghệ sạch; Nhà nước cần hoàn thiện chính sách pháp lý, xây dựng hệ thống kiểm định và hậu kiểm nghiêm ngặt, đồng thời có cơ chế hỗ trợ thiết thực về vốn, thuế, mặt bằng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình xanh.
Mặc dù vẫn còn một số thách thức trong việc thúc đẩy các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng thân thiện với môi trường tại các cửa hàng và siêu thị nhưng sự ủng hộ và tinh thần trách nhiệm của người tiêu dùng là một bước tiến quan trọng trong hành trình hướng tới một tương lai xanh, sạch và bền vững.
Với những nỗ lực từ cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, chúng ta có thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ hành tinh xanh. Các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng xanh cần được thực hiện đồng bộ và có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả dài hạn.
Diệu Anh