Lắp 3 camera trên cầu Long Biên để theo dõi và xử lý vi phạm

10/06/2022 5:55 PM

(Chinhphu.vn) - Đại diện Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho biết, đơn vị đã lắp 3 camera trên cầu để theo dõi trạng thái của cầu, đồng thời phát hiện những vi phạm trên cầu.

Lắp 3 camera trên cầu Long Biên để theo dõi và xử lý vi phạm - Ảnh 1.

Đơn vị sẽ trích xuất camera hằng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cảnh sát giao thông Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đề xuất, trong thời gian tới, cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng xe lam, xe thồ hàng nặng cồng kềnh đi qua cầu gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu Long Biên.

Đơn vị này cũng đang bố trí 50 nhân viên chia làm 5 tổ phục vụ công tác quản lý, duy tu cầu Long Biên. Trong đó, 1 tổ làm nhiệm vụ tuần đường, 1 tổ bảo vệ cầu và 3 tổ duy tu. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/giờ (trước đây là 25 đến 30km/giờ).

Sau khi xảy ra những sự cố "thủng" nền đường trên cầu Long Biên thời gian gần đây, các đơn vị liên quan đang khẩn trương rà soát, khắc phục những vị trí bị hư hỏng, đồng thời kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa.

Về kinh phí bảo trì cầu Long Biên, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giao 9,7 tỷ đồng cho Công ty CP Đường sắt Hà Hải, trong đó phần duy tu đường sắt hơn 7 tỷ đồng, phần bảo vệ, tuần cầu đảm bảo ATGT 1,3 tỷ đồng và phần đường bộ 400 triệu đồng... Tuy nhiên, số kinh phí này chỉ đáp ứng được 35-40% so với yêu cầu.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khắc phục ngay những hư hỏng, đồng thời kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa.

Trước mắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thiết kế hệ dầm đỡ tấm đan, không để xảy ra tình trạng thủng tấm đan tái diễn. Tuy nhiên, số lượng tấm đan của cây cầu này rất lớn, lên tới gần 10.000 tấm đan.

Ngay trong năm 2022, Bộ Giao thông vận tải  sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ. Đại diện Bộ Giao thông vận tải  khẳng định, cây cầu vẫn đảm bảo an toàn cho giao thông đường sắt, đường bộ, bởi các yêu cầu kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Về lâu dài, cây cầu này cần có dự án tổng thể để gia cố nâng cấp chứ không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại.

Minh Anh

Top