Lễ hội Tổng Nam Phù ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(Chinhphu.vn) - Ngày 12/4, huyện Thanh Trì cùng huyện Thường Tín đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 930 năm Nhị vị Đại thánh Bồ tát nhập niết bàn (1095-2025) và công bố Quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: VGP/Minh Thư
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong cho biết, Thanh Trì, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thồng lịch sử cách mạng, văn hóa lâu đời. Toàn Huyện hiện có 154 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 88 di tích được xếp hạng (65 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 23 di tích xếp hạng cấp Thành phố).
Huyện có 45 lễ hội truyền thống, tiêu biểu trong đó là Lễ hội Tổng Nam Phù - nghi lễ thiêng liêng nhằm tri ân Nhị vị Bồ Tát Lý Từ Thục và Lý Từ Huy, hai công chúa triều Lý đã từ bỏ vinh hoa cung cấm để tu hành, hoằng dương Phật pháp và mang lại cuộc sống an hòa cho Nhân dân.
Theo sử sách và truyền thuyết, dưới triều Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), hai công chúa sinh đôi - Lý Từ Thục và Lý Từ Huy - dù sinh ra trong hoàng tộc cao quý, nhưng đã sớm giác ngộ Phật pháp, từ bỏ cuộc sống cung đình, cùng hai thị nữ lặng lẽ rời Thăng Long, lập am tu hành tại núi Trúc - nay là chùa Hưng Phúc (thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp). Khi bị phát hiện, hai bà lại tiếp tục hành đạo tại chùa Hưng Long (xã Đông Mỹ), nhưng vẫn bị vua cha triệu hồi. Thấy con không nghe lời, nhà vua đã cho đốt chùa để ép 2 công chúa trở về, nhưng sau đó chính nhà vua lâm trọng bệnh.
Dù bị ngăn cản, hai công chúa vẫn một lòng tu hành, ngày đêm sám hối hồi hướng cho vua cha. Cảm động trước tấm lòng thành, vua cha không chỉ chấp thuận nguyện vọng xuất gia mà còn ban ngân khố để xây dựng lại chùa Hưng Long.
Cứ mỗi độ tháng Ba âm lịch về, trên khắp vùng Tổng Nam Phù lại rộn ràng trong không khí linh thiêng và trang nghiêm của lễ hội truyền thống - một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc, độc đáo của vùng đất Thanh Trì - Thường Tín. Được tổ chức vào các ngày 14, 15, 16 tháng Ba âm lịch hằng năm, lễ hội là dịp để Nhân dân thành kính tưởng nhớ và tri ân Nhị vị.
Điểm đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù không chỉ nằm ở chiều dài lịch sử với truyền thống hơn 900 năm, mà còn ở sự lan tỏa rộng khắp cả không gian và tâm thức cộng đồng.
Sáu ngôi chùa linh thiêng gồm chùa Hưng Phúc, Thanh Liêm (xã Ngũ Hiệp), Hưng Long (xã Đông Mỹ), Long Khách, Kim Cương (xã Duyên Hà) và chùa Phổ Quang (thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở), trải dài trên địa bàn hai huyện Thanh Trì và Thường Tín, đã tạo nên một hệ thống liên kết tâm linh vững chắc, biểu tượng của sự hòa hợp, đoàn kết gắn bó cộng đồng bền chặt từ bao đời. Lễ hội kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng thờ Thánh, tinh thần Phật giáo và văn hóa dân gian với các nghi lễ truyền thống trang nghiêm như Lễ Mộc dục, rước kiệu Thánh, dâng hương, Tế Thánh...

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà trao Quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Ảnh: VGP/Minh Thư
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Lễ hội Tổng Nam Phù. UBND nhân dân huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Cục Di sản Văn hóa ( Bộ VHTT&DL), nghiên cứu, khảo sát, tập hợp tư liệu lịch sử, xây dựng hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền đề nghị ghi danh Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 19/02/2025, Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định là một cột mốc quan trọng, không chỉ tôn vinh công lao đức hạnh đúng vào dịp kỷ niệm 930 năm nhập Niết bàn của Nhị vị Bồ Tát, mà còn mở ra những cơ hội mới để giá trị di sản tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong thời gian tới.
Minh Thư