Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

22/02/2024 5:31 PM

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định về việc công nhận lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh 1.

Lễ rước Thánh hồi đình Tường Phiêu thiêng liêng và rất đặc sắc trong lễ hội đình Tường Phiêu.

Đình Tường Phiêu (còn gọi là đình Cả) được xây dựng vào khoảng năm 1430 và được tu bổ nhiều lần từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Đình Tường Phiêu thờ phụng 4 vị Thành hoàng làng (Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng). Đền nằm ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.

Đình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng và công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đình Tường Phiêu mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, được xem là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài.

Ở đình Tường Phiêu mỗi năm có 4 lễ tiết, riêng lễ hội Rằm tháng Giêng (tức ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh) là lễ hội lớn nhất, kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng. Trong đó, nghi lễ rước Thánh ban đêm hết sức thiêng liêng và đặc sắc. Các lễ tiết khác ở đình diễn ra vào: Ngày 14 tháng 5 âm lịch (ngày lễ thánh tạ thế), ngày 15 tháng 8 âm lịch (lễ nhân ngày thánh được phong chức) và ngày 15 tháng Chạp (lễ tế tạ).

Theo phong tục truyền thống, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu sẽ tổ chức lễ hội rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo). Lễ rước diễn ra vào ban đêm.

Theo phong tục truyền thống, tục rước kiệu đêm của làng Tường Phiêu xuất phát từ truyền thuyết về Thánh Tản: Trong một lần ngự giá vi hành tới miền Ngô Sơn, mải mê với việc dạy dân đánh cá và tìm cách trị thủy, ngài và đoàn tùy tùng đã trở về núi vào ban đêm khá muộn. Khi lưu luyến tiễn ngài và đoàn tùy tùng, dân làng đã dùng cây khô làm đuốc để soi đường và để chiêm ngưỡng đức Thánh được lâu hơn.

Để tưởng nhớ và lưu lại muôn đời cho con cháu về cảnh tiễn đưa hoành tráng và đầy lưu luyến của dân làng đối với đức Thánh khi về núi, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu đã tổ chức lễ hội rước Tam vị Thánh Tản và Thành hoàng làng từ đình Cả lên đền Ngô Sơn (đền Ngo) để các ngài thăm lại chốn thờ tự xưa và đức Thánh thăm lại nơi đã tuần du và giúp dân làng đánh cá, trị thủy..

Những bó đuốc năm xưa nay thể hiện bằng các cây đình liệu và đuốc rồng. Phong tục rước kiệu Thánh về đêm được hình thành từ đó và duy trì đến nay. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo của xứ Đoài, qua đó, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh...

Minh Anh

Top