Luật Đất đai (sửa đổi) tạo điều kiện cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước
(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đóng góp quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn của địa phương, tạo sự thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Chiều 30/3, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông chủ trì Hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp Thành phố. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu quận, huyện, thị xã.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến toàn bộ hệ thống chính quyền từ Thành phố đến cơ sở.
Đến thời điểm hiện nay, các cơ quan Sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã tổ chức bài bản, nghiêm túc, khách quan, trực tiếp lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức; lấy ý kiến người dân… liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua tổng hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 62 văn bản, báo cáo của các đơn vị đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, đại diện các quận, huyện, thị xã đã góp ý cụ thể vào các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó kiến nghị nhà nước đảm bảo quyền lợi hợp pháp của 3 bên, nhất là quan tâm đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, tránh thiệt thòi cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân có cuộc sống nơi ở mới tương xứng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, từ đó đảm bảo an sinh xã hội.
Các ý kiến đóng góp tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; hộ gia đình sử dụng đất…
Nêu tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân thành phố Hà Nội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho biết, d thảo Luật lần này đã chú trọng giải quyết một số vấn đề tồn tại như: Quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư; bộ máy quản lý đất đai; phân loại đất đai, xác định giá đất, mối quan hệ với thị trường Bất động sản…
Qua các hội nghị lấy ý kiến, hầu hết nhân dân cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khu Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và đề nghị các văn bản dưới luật cần nhanh chóng được ban hành ngay sau khi Luật có hiệu lực trên cơ sở góp ý của các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nêu, Luật đất đai (sửa đổi) sẽ đóng góp quan trọng để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn của địa phương, tạo sự thúc đẩy quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị các quận, huyện, sở ngành tiếp tục nghiên cứu đóng góp bằng văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp để báo cáo Thành phố.
Gia Huy