Miền núi của Hà Nội chuyển biến tích cực sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

31/07/2023 6:55 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, đời sống của người dân vùng miền núi Thủ đô đã có nhiều thay đổi tích cực và chuyển biến rõ nét, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đã thực sự đi vào cuộc sống, là chương trình của dân và vì dân.

Miền núi chuyển biến tích cực sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính - Ảnh 1.

Diện mạo huyện miền núi Ba Vì sau 15 năm cải cách địa giới hành chính. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Miền núi chuyển mình với những thay đổi ngày càng tích cực

Tiến Xuân là một xã trước kia thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, với xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn trước khi sáp nhập về Hà Nội. Nhưng sau 15 năm, nhất là sau khi nhận được "luồng sinh khí" từ chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất và đời sống của người dân trên địa bàn xã cũng như toàn huyện Thạch Thất đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân của Tiến Xuân đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm. Từ điện, đường, trường, trạm đến nhà văn hóa đều khang trang, sạch đẹp.

Bà Nguyễn Thị Quyên ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết, 15 năm qua là một chặng đường khá dài, đủ để cho thấy một sự chuyển mình với những thay đổi ngày càng tích cực hơn, mà đối tượng được hưởng những lợi ích ấy không ai khác chính là nhân dân. Trước kia đường đi lối lại còn hạn chế, cơ sở vật chất đầu tư thiếu đồng bộ, nhưng đến nay đường liên thôn liên xã đã được bê tông hóa, trường học cũng được xây dựng sửa chữa đẹp đẽ, chất lượng dạy và học được nâng lên hơn trước. Những thành quả này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân địa phương.

Theo lãnh đạo huyện Thạch Thất, sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thu nhập bình quân người dân của huyện đã tăng từ 11,6 triệu đồng lên 91 triệu đồng/người/năm; tổng giá trị sản xuất trên địa bàn toàn huyện thực hiện năm 2023 ước đạt trên trên 35.910 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm; thu nhập bình quân năm 2023 của huyện phấn đấu đạt 100 triệu đồng/người/năm (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt 120 triệu đồng/người/năm).

Theo Phó Chủ tịch huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, huyện có 7 xã miền núi (Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại đều thuộc khu vực I), với 76 thôn là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số. Dân số toàn huyện có 76.925 người/18.710 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 29.480 người/6.993 hộ (chiếm khoảng 38,3% dân số vùng dân tộc ở Hà Nội).

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số miền núi là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với các ngành, UBND các xã miền núi trong việc triển khai các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nội dung đầu tư của Chương trình được quan tâm thực hiện và lồng ghép vào các chương trình tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng đến cán bộ, cộng đồng nắm và hiểu được ý nghĩa và ủng hộ thực hiện nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Trong thời gian qua với sự quan tâm lãnh đạo của Thành phố, sự chỉ đạo của huyện Ba Vì, cùng với sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương các xã miền núi đã thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định. 

Tốc độ phát triển kinh tế ở các xã vùng dân tộc, miền núi bình quân hằng năm trên 10%; kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm; 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng internet… Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Miền núi chuyển biến tích cực sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính - Ảnh 2.

Nhờ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong hành trình 15 năm nên đường làng, ngõ xóm tại vùng miền núi của Thủ đô đã rất khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân

Là địa bàn có tới 7 xã miền núi của Thủ đô, huyện Ba Vì cũng còn đó những khó khăn. Việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết được lợi thế, tiềm năng. Chương trình giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người và đời sống còn thấp, tỷ lệ hộ nguy cơ tái nghèo cao. Do đó, huyện đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách tới đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn…

Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì đã giúp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm y tế…, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng núi so với bình quân chung của huyện. Tính đến tháng 5 năm 2023, huyện Ba Vì đã cơ bản đạt các chỉ tiêu đã đề ra tại Kế hoạch 253/KH-UBND của UBND thành phố.

Theo ông Nguyễn Đức Anh, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì đã giúp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm y tế…, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng núi so với bình quân chung của huyện. Tính đến tháng 5 năm 2023, huyện Ba Vì đã cơ bản đạt các chỉ tiêu đã đề ra tại Kế hoạch 253/KH-UBND của UBND thành phố.

Theo Ban Dân tộc TP. Hà Nội, hiện bình quân thu nhập đầu người tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố đạt khoảng 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 100% dân số được dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới.

Thiện Tâm

Top