Ngoại thành Thủ đô 'khoác áo mới' sau 15 năm hợp nhất
(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm hợp nhất, với chính sách thông thoáng và sự quan tâm của Thành ủy Hà Nội nhằm phát triển đồng đều khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực thành thị. Đặc biệt là Chương trình 02 và nay là Chương trình 04 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, bức tranh ngoại thành Hà Nội đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, qua 15 năm hợp nhất quả thật bộ mặt nông thôn của Hà Nội đã có những thay đổi căn bản, toàn diện từ phương thức canh tác sản xuất hướng tới nền nông nghiệp hiện đại. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ qua chương trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Chính nhờ vậy, đời sống người dân ngoại thành Thủ đô đã được nâng lên rõ rệt và khu vực nông thôn đã thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, toàn Thành phố cũng có 111 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu...Tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%.
Thành phố cũng có 149 chuỗi liên kết được duy trì và phát triển, trong đó, có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm. Đây chính là những "con số biết nói", chứng minh cho những thành tựu nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển vùng ngoại thành Hà Nội qua 15 năm.
Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, 15 năm qua, cùng với việc hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã quy hoạch được gần 200 vùng sản xuất lúa chất lượng cao; rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, các vùng nuôi trồng thủy sản. Hình thành được 1.389 hợp tác xã, tổ đội sản xuất để thúc đẩy sản xuất và xây dựng được 149 chuỗi liên kết, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi và 92 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt hươn 40.000 nghìn tỷ đồng cao hơn xấp xỉ 8 lần mức 7000 tỷ đồng năm 2008.
Tốc độ tăng giá trị của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 3,03% vượt chỉ tiêu kế hoạch 2,5-3% thành phố giao. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ đã được đưa vào sản xuất là cơ sở để các địa phương triển khai nhân rộng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó là sự đồng hành của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nên mang lại hiệu quả cao.
Đối với Đan Phượng, tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.624,5ha/3.600ha đất nông nghiệp sang trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Vùng trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sản xuất hoa lan hồ điệp, nấm chất lượng cao, rau hữu cơ...). Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2022 giảm 11,86% so với năm 2008.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015, Đan Phượng có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới gia đoạn 2011 – 2015. Sau đó, đến giai đoạn 2016 – 2020, huyện Đan Phượng tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung phát triển sản xuất, chỉnh trang môi trường, trồng hoa trên các tuyến đường, đặt tên đường, gắn biển số nhà, đầu tư hạ tầng. Đến hết năm 2020, huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tính đến nay, huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương dẫn đầu của thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, được nhiều đoàn của các tỉnh, thành phố về thăm quan học tập.
Ông Lê Văn Tín, Giám đốc HTX Thủy sản Ngọc Động, huyện Ứng Hòa chia sẻ, để phát triển các mô hình thủy sản an toàn, khai thác tiềm năng diện tích mặt nước của Hà Nội thì thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai các mô hình như: Nuôi thủy sản áp dụng công nghệ "sông trong ao", nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa… Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường. Từ hiệu quả của mô hình, huyện Ứng Hòa cũng đã tập trung chỉ đạo, định hướng liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát huy lợi thế của từng địa phương.
Với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn với quy hoạch phát triển đô thị, thành phố thông minh, cùng với những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, sẽ tạo động lực mới cho việc phát triển các vùng ngoại thành của Hà Nội trở thành những miền quê yên bình đáng sống, đời sống, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên giúp giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị.
Thiện Tâm
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội