Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả

20/01/2023 9:21 AM

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 1 năm thí điểm triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cấp phường đã chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn. Việc thí điểm đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.

Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Ảnh 1.

Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Gia Huy

Tại kỳ họp thứ 8, ngày 27/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội. Theo đó, chính quyền địa phương ở TP. Hà Nội, huyện, quận, thị xã; xã, thị trấn là cấp chính quyền gồm có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, phường thuộc thị xã Sơn Tây là UBND phường.

Việc thí điểm được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Ngày 29/3/2021, Chính phủ có Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Theo đó UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường.

Giảm 125 biên chế Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh khác

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Thành ủy Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo các quận, thị xã triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị gắn với phát huy dân chủ nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Các cấp ủy, chính quyền đã cụ thể hóa, ban hành hàng trăm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị bảo đảm công khai, dân chủ tạo thuận lợi và tăng cường trách nhiệm trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Thành phố cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; về thực hiện mô hình chính quyền đô thị , trong đó tập trung vào những điểm mới, những lợi ích của việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, đồng thuận cao trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Thành phố, đến ngày 01/7/2021, UBND các quận và thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tại 175 UBND phường trực thuộc, đã ban hành Quyết định chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và công chức cấp xã ở phường sang công chức thuộc quận và thị xã quản lý, ban hành Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường để đi vào hoạt động theo cơ chế quản lý mới.

Chủ tịch UBND của 175 phường trên địa bàn Thành phố đã ban hành Quy chế làm việc theo quy định từ ngày 1/7/2021, Chế độ hoạt động của UBND phường được xây dựng trên cơ sở Quy chế làm việc mẫu của Thành phố, Quy chế xác định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc của UBND phường với vị trí là một cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã.

Chủ tịch UBND phường điều hành hoạt động của UBND phường trên cương vị là thủ trưởng cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về toàn bộ chỉ đạo, điều hành, quyết định về các lĩnh vực công tác của phường; quy định cụ thể về quan hệ công tác giữa UBND phường với các cơ quan, tổ chức liên quan; chế độ hội họp, giải quyết công việc, quản lý văn bản của UBND phường; phân công nhiệm vụ đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức thuộc UBND phường, đảm bảo rõ trách nhiệm đối với từng chức danh trong thực hiện nhiệm vụ; phát huy và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân trong giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, sự phối hợp, hỗ trợ, trao đổi các thông tin trong giải quyết công việc; từng bước đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và phân công người phụ trách, định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện

Ngày 12/9/2022, HĐND Thành phố có Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, tiếp tục phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý nhiều lĩnh vực, nhằm phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của các quận, đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tạo thuận lợi để Thành phố đổi mới theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa và tập trung quản lý khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Thành phố đã báo cáo Bộ Nội vụ để giao bổ sung 2.625 biên chế công chức tại 175 phường thành công chức cấp Quận quản lý. Căn cứ chỉ tiêu biên chế công chức phường được giao, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND, ngày 10-12-2021 về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định 5199/QĐ-UBND, ngày 10-12-2021 về giao chỉ tiêu kinh tế-xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội, trong đó giao 2.625 biên chế công chức phường (với mức giao bình quân cho 15 biên chế công chức/phường) làm cơ sở cho các quận, thị xã bố trí, phân bổ biên chế cho UBND phường trực thuộc.

Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, biên chế giao đối với các chức danh Chủ tịch UBND phường, Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh công chức khác ở phường giảm 125 biên chế so với khi chưa thực hiện thí điểm.

Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả - Ảnh 3.

HĐND các quận và thị xã Sơn Tây đã tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường khi không tổ chức HĐND phường - Ảnh: VGP/Gia Huy

Bộ máy gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, đến nay, việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP. Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Đó là, tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy chính quyền trong khu vực các quận và thị xã Sơn Tây đã gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.

Cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, với nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch mang tính chất đột xuất, yêu cầu phải giải quyết ngay thì với nguyên tắc làm việc theo chế độ thủ trưởng theo mô hình mới, Chủ tịch UBND phường đã phát huy vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND phường.

Cũng theo bà Vũ Thu Hà, qua nắm bắt tình hình chung, hầu hết các phường phân công cán bộ rõ ràng, bố trí thời gian làm việc hợp lý, cán bộ, công chức phường yên tâm công tác. Việc thực hiện cơ chế Chủ tịch UBND quận, thị xã trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường đã đảm bảo sự linh hoạt của cấp ủy Đảng và UBND quận, thị xã trong việc lựa chọn, bố trí công chức lãnh đạo tại UBND phường, không nhất thiết phải là người ở địa phương.

Công tác quản lý nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của quận, thị xã và các phường đều đảm bảo đạt kết quả theo kế hoạch đã đặt ra, đáp ứng các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

TS. Lê Thị Hà, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhận định, với quyết tâm chính trị cao Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai đồng bộ, toàn diện việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô.

Tại các quận và thị xã Sơn Tây, HĐND đã tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường khi không tổ chức HĐND phường; chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và cấp phường trong việc giám sát thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và các cơ quan chuyên môn tại quận, thị xã và UBND, Chủ tịch UBND phường. Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND Thành phố ứng cử tại các quận, thị xã tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề đối với chính quyền cơ sở trong thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. C việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn.

Việc phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức thuộc UBND phường đã góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phường trong thực thi công vụ. Đồng thời, giúp lãnh đạo quận, thị xã có thể dễ dàng đánh giá khả năng, năng lực công tác của cán bộ, công chức trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Bài 2: Không bỏ sót nhiệm vụ, không chồng chéo chức năng

Gia Huy

Top