Mô hình chợ văn minh thương mại: Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

16/07/2024 11:09 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều mô hình chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô đã góp phần duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, bảo đảm tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng…

Mô hình chợ văn minh thương mại: Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng- Ảnh 1.

Mô hình Chợ văn minh-Chợ Thái Hà (quận Đống Đa). Ảnh: Internet

Duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh

Chợ Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) có hơn 130 hộ kinh doanh đang hoạt động. Là chợ truyền thống, nhưng chợ Thanh Liệt được thiết kế, bố trí khoa học, hợp lý, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, mua bán của bà con nhân dân. Lối đi trong chợ rộng rãi, sạch sẽ, thoải mái cho xe máy, xe đạp và người đi bộ di chuyển mà không phải chen lấn.

Chị Nguyễn Thị Hoa, kinh doanh rau củ quả trong chợ cho biết, từ ngày chợ thực hiện các tiêu chí văn minh thương mại, đường đi lối lại trong chợ sạch sẽ hơn, hàng hóa được bài trí gọn gàng, khoa học hơn, khách hàng đi lại thuận tiện, mua bán dễ dàng.

"Hàng hóa được sắp xếp theo từng khu, tất cả đều được bày bán trên các giá, kệ đặt trên bục bệ cao hơn ít nhất 30cm so với mặt đất. Mỗi quầy hàng đều được gắn biển tên, ngành hàng và số điện thoại của người bán hàng. Đặc biệt, quầy hàng nào cũng có mã QR để phục vụ khách hàng muốn thanh toán trực tuyến…", chị Hoa vui vẻ nói.

Để có một ngôi chợ văn minh thương mại như hiện nay, Ban Quản lý chợ đã kiên trì vận động, tuyên truyền để các hộ kinh doanh đúng ngành hàng, không nhập hàng về ồ ạt, không bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó tạo thói quen cho người tiêu dùng khi mua hàng.

Ngoài chợ Thanh Liệt thì Chợ Cầu Bươu nằm trên đường 70, thuộc địa bàn xã Tả Thanh Oai cũng là một trong những chợ đạt tiêu chí Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm của huyện Thanh Trì. Chợ được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2016.

Đây là chợ loại 1, được xây dựng với quy mô hơn 500 điểm kinh doanh. Chợ được quy hoạch, thiết kế, xây dựng quy củ, phù hợp với văn hóa kinh doanh, mua bán của người dân địa phương với đường đi, lối lại thông thoáng, thuận tiện. Chợ được chia thành các khu, ngành hàng như: Khu bán hàng thực phẩm, hoa quả, đồ gia dụng, quần áo, giày dép,...

Ông Đỗ Thế Hà, Trưởng Ban Quản lý chợ Cầu Bươu cho biết, năm 2024, chợ Cầu Bươu được UBND huyện Thanh Trì công nhận là Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Các hộ kinh doanh trong chợ đều có giấy phép kinh doanh, biển kinh doanh được treo ngay trước điểm bán hàng; được tập huấn về an toàn thực phẩm, 100% các hộ đặt quét mã QR, theo định kỳ được tập huấn phòng cháy chữa cháy hai lần/năm.

Mô hình chợ văn minh thương mại: Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng- Ảnh 2.

Chợ được chia thành các khu, ngành hàng như khu bán hàng thực phẩm, hoa quả, đồ gia dụng...Ảnh: VGP/DA

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến năm 2023, toàn huyện đã có 5 chợ đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, trong đó chợ Thanh Liệt năm thứ 2 liên tục đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm.

Còn trên địa bàn quận Long Biên, hiện có 26 chợ dân sinh đang hoạt động với 150 hộ kinh doanh, trong đó có 14 chợ được công nhận đạt tiêu chí "Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm"; 26/26 chợ đã triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Uông Thị Tố Quyên, cán bộ Phòng Kinh tế quận Long Biên cho biết, từ năm 2015, quận xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại, đồng thời ban hành bộ tiêu chí về chợ văn minh thương mại. Trong đó gồm các mục như bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, an toàn thực phẩm. Mô hình này chủ yếu nhấn mạnh về vấn đề văn minh thương mại, giao tiếp của các hộ kinh doanh, tiểu thương trong chợ.

Để đạt chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, quận Long Biên đề ra bộ tiêu chí với các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ đều phải bảo đảm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng rau phải có giá kệ, kê cao cách mặt đất 15cm. 100% hàng thịt có bàn bằng inox, thớt nhựa. Hàng thực phẩm chín phải có tủ kính bảo quản…

Có thể thấy, công tác vận động, tuyên truyền đã được quận vào cuộc ngay từ những ngày đầu, nhờ đó, mô hình nhận được sự đồng thuận của người dân. Các hộ kinh doanh đã chấp hành nghiêm khi mô hình đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí. Đến nay, quận đã nhân rộng mô hình tại 14 chợ. Dự kiến, cuối năm 2024, thêm 3 - 4 chợ đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, ATTP. Đến năm 2025, 100% các chợ trên địa bàn đạt tiêu chí chợ văn minh, thương mại, an toàn thực phẩm…

Lan tỏa nét đẹp văn hóa tại các khu chợ

Bước vào những khu chợ văn minh trên địa bàn Thủ đô, có thể thấy sự ồn ào, lộn xộn trước kia đã không còn, mà thay vào đó là những gian hàng đầy ắp tiếng cười; người bán, người mua ứng xử chuẩn mực, văn minh, thanh lịch.

Mô hình chợ văn minh thương mại: Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng- Ảnh 3.

Mã QR code được gắn cùng với tên ngành hàng để khách hàng đứng từ vị trí mua có thể quét, thanh toán được nhanh chóng. Ảnh: VGP/DA

Gần đây, người dân quanh khu vực chợ Thái Hà (quận Đống Đa) không khỏi vui mừng khi đi chợ, bởi không khí phong quang, sạch sẽ và văn minh khiến mỗi người dân bước vào đều có chung tâm trạng thoải mái hơn trước. Đặc biệt, nhiều gian hàng đã niêm yết bảng giá để người dân yên tâm hơn khi đến mua hàng.

Chị Đỗ Thi Tâm (Hoàng Cầu, Trung Liệt) cho biết, chợ Thái Hà nay rất sạch sẽ và văn minh, người dân rất vui mừng và yên tâm khi đi chợ. Không chỉ sạch hơn, thoáng hơn, mà đa số các gian hàng đều nêm yết giá, còn in mã QR để bà con tiện thanh toán tiền khi mua. Các tiểu thương thì nhẹ nhàng, niềm nở, không khí thật sự văn minh hơn trước rất nhiều.

Khi thực hiện mô hình "Chợ Văn minh", các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ Thái Hà cam kết thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại chợ với những nội dung như: Những ứng xử nên làm như: niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm; cung cấp, trao đổi thông tin, giao tiếp đúng mực; xếp hàng khi mua bán; sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường. Những ứng xử không nên làm như: mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; nói sai, cân đong gian dối; gây mất an ninh trật tự; mua, bán ngoài phạm vi quy định...

Nói về quá trình triển khai xây dựng mô hình Chợ văn minh Thái Hà, bà Trần Thị Minh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa cho biết, mô hình Chợ văn minh là 1 trong 3 mô hình do Hội LHPN thành phố Hà Nội xây dựng tiêu chí hướng dẫn và giao cho 30 quận/huyện triển khai thực hiện trong năm 2023, trong đó Đống Đa là đơn vị làm điểm.

Việc thực hiện mô hình Chợ văn minh còn bao hàm ý nghĩa mang đến sự thay đổi về diện mạo đô thị, không gian giao thương bởi ngoài tiêu chí tạo ra chuẩn mực văn hoá trong ứng xử, Chợ văn minh còn phải đạt các tiêu chí: 100% hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh; được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng hoá trong chợ được sắp xếp gọn gàng, không lấn ra ngoài không gian chung, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy,…

"Việc triển khai xây dựng mô hình chính là bước cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong không gian chợ, là biện pháp truyền thông hiệu quả nhất để đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống thông qua sự tương tác, giao thương giữa các hộ kinh doanh, tiểu thương khu vực chợ với người dân đến mua bán hàng tại chợ", bà Hoàng Thu Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN Hà Nội chia sẻ.

Không chỉ chợ Thái Hà, mô hình chợ văn minh đang được triển khai tại nhiều khu chợ truyền thống như chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (huyện Hoài Đức)... Một số quận, huyện cũng chủ động chỉ đạo thực hiện mô hình điểm như Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân...

Để nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình, trong giai đoạn tiếp theo rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ. Đặc biệt, cần chú trọng truyền thông tới người bán và người mua, chọn một số việc trọng điểm để triển khai thực hiện nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh…

Diệu Anh

Top