Phụ nữ Thủ đô phát triển mô hình chợ văn minh

30/08/2023 6:22 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện tại TP. Hà Nội có hơn 400 chợ, với hơn 90 nghìn hộ kinh doanh, trong đó đa phần là nữ. Chợ truyền thống đang chiếm ưu thế hơn so với các trung tâm thương mại về tạo việc làm cho lao động, về kết nối cộng đồng dân cư và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Phụ nữ Thủ đô với phát triển mô hình chợ văn minh - Ảnh 1.

Các chị em là tiểu thương rất phấn khởi khi tham gia thực hiện mô hình do Hội Phụ nữ triển khai thời gian qua. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Nội dung trên được đưa ra tại Tọa đàm ngày 30/8 do Hội LHPN Hà Nội tổ chức, với chủ đề Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội: Chợ truyền thống có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống và văn hóa của người Hà Nội. Hiện tại Thành phố Hà Nội hiện có hơn 400 chợ với hơn 90 nghìn hộ kinh doanh, trong đó đa phần là nữ. Chợ truyền thống hiện chiếm ưu thế hơn so với các trung tâm thương mại về tạo việc làm cho lao động, về kết nối cộng đồng dân cư và gìn giữ văn hóa truyền thống.

Mặc dù vậy vẫn còn những hạn chế tồn tại như: Ứng xử thiếu văn minh trong mua bán, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, mất an ninh, an toàn cháy nổ và trật tự xã hội... đã và đang hạn chế sự phát triển của chợ, thách thức yêu cầu thay đổi về phương thức quản lý, gìn giữ nét đẹp truyền thống của chợ.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh, nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tập trung tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực thương mại, dịch vụ thông qua cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp". Đặc biệt, năm 2022, Hội LHPN đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 05/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có giao cho Hội LHPN chủ trì tham mưu thực hiện 3 mô hình điểm tuyên truyền vận động phụ nữ và cộng đồng thực hiện "Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu"; mô hình "Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu"; "Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả" trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng…

Thời gian qua, mô hình điểm "Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng" đã được Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo triển khai thí điểm tại một số chợ như: Chợ Thái Hà, chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); Chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (Hoài Đức); chợ Chúc Sơn, chợ Xuân Mai (Chương Mỹ). Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động chỉ đạo mô hình điểm như: Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân...

Bà Trần Thị Minh Xuân, Chủ tịch Hội LHPN quận Đống Đa chia sẻ: Mô hình chợ "Văn minh- an toàn - hiệu quả"  là 1 trong 3 mô hình của Thành hội hướng dẫn và chỉ đạo đến Hội LHPN tại  30 quận,  huyện triển khai thực hiện trong năm 2023 trong đó Đống Đa là đơn vị làm điểm. Hội LHPN quận Đống Đa đã tiến hành khảo sát các chợ trên địa bàn và quyết định lựa chọn chợ Thái Hà để xây dựng mô hình. Theo bà Xuân, ra mắt được mô hình đã khó, việc duy trì phát huy hiệu quả mô hình còn khó hơn.

Thời gian qua, đơn vị đã thành lập tổ nòng cốt tuyên truyền Quy tắc ứng xử và tiêu chí Chợ văn minh gồm các chị em Chi hội Phụ nữ chợ Thái Hà, chị em Hội Phụ nữ 2 phường Trung Liệt, Quang Trung. Hội Phụ nữ đã đã in ấn, cấp phát gần 200 bản cam kết đến các tiểu thương chợ và và các chủ hộ kinh doanh ki ốt của HTX Thái Hà. Đồng thời tổ chức điểm tuyên truyền lưu động về Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chợ, thường xuyên phát loa và đọc bài tuyên truyền. Thực hiện công trình phần việc của Hội Phụ nữ tại chợ: Quận hội đầu tư 100 đèn lồng đường kính 45cm/đèn trị giá 10 triệu đồng treo dọc 2 bên tuyến phố trước cổng chợ tạo điểm nhấn để nhận diện chợ; trao tặng 4 thùng đựng rác cỡ đại; hơn 100 tạp dề có nút điều chỉnh;

Thời gian tới, Ban Thường vụ hội LHPN quận tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo quận ủy, UBND quận chỉ đạo UBND, Công an 2 phường sở tại tiếp tục phối hợp với Ban quản lý chợ, HTX Thái Hà thường xuyên sát sao đôn đốc, kiểm tra xử lý vi phạm để đảm bảo trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy khu vực chợ; nhân rộng mô hình điểm tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn.

Đại diện huyện Gia Lâm cho biết, huyện đang trong lộ trình xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn thành lập quận, thành lập phường vì vậy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 có xác định 1 trong 2 khâu đột phá của huyện là "xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và môi trường xanh, sạch, đẹp đáp ứng yêu cầu thành lập quận". Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động, các mô hình xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được lãnh đạo huyện rất quan tâm. Trong đó, các khu chợ cũng được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa khang trang hơn. Có khu để xe, khu buôn bán, khu vệ sinh cho người bán và người mua hàng…

Thiện Tâm

Top