Mở ra cơ hội cho sản phẩm làng nghề Thủ đô

28/05/2022 8:30 AM

(Chinhphu.vn) - Khi Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tham gia ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm làng nghề Thủ đô, đặc biệt là các sản phẩm được làm thủ công bằng chính đôi tay của người thợ, tạo nên từ những nguyên liệu tự nhiên.

Mở ra cơ hội cho sản phẩm làng nghề Thủ đô - Ảnh 1.

Các sản phẩm làng nghề ngày càng đa dạng, mẫu mã đẹp. Ảnh: VGP/TL

Đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế

Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 20 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may…

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như: Nga, Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai và một số nước châu Á, Đông Nam Á.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, các làng nghề truyền thống đã góp phần kiến tạo những giá trị tinh hoa cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, một số có chất lượng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, công tác hỗ trợ của Trung ương và TP. Hà Nội với các làng nghề trong phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, du lịch… đã và đang đem lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các địa phương và doanh nghiệp.

Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết, hiện sản phẩm của công ty 95% là xuất khẩu, trong đó, thị trường xuất khẩu chính là EU, Mỹ. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng khoảng 26%-27% so với năm trước đó. Năm 2022, công ty đã kín đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 này. Đây là một tín hiệu rất tích cực.

"Chúng tôi cũng kỳ vọng, năm 2022 doanh thu xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 5%-7%. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đã tạo ra những cơ hội rất tốt cho hoạt động xuất khẩu nói chung, thủ công mỹ nghệ và gốm sứ mỹ nghệ nói riêng", bà Hà Thị Vinh nói.

Cần tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển

Khẳng định cơ hội thị trường xuất khẩu đang rất rộng mở. Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Vinh, việc mở rộng sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường không phải doanh nghiệp muốn là làm được. Bởi như trong ngành gốm sứ mỹ nghệ, doanh nghiệp phải đào tạo rất lâu mới có công nhân lành nghề, phải bảo đảm diện tích mặt bằng sản xuất.

Mặt khác, việc quy hoạch các mỏ khai thác nguyên liệu cũng như kỹ thuật khai thác mỏ kém, khiến chất lượng chung của nguyên liệu không tốt, gây khó khăn cho các nhà sản xuất. Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước gặp khó khiến các doanh nghiệp như Quang Vinh phải tính đến bài toán nhập khẩu nguyên liệu. Việc này được bà Hà Thị Vinh nhận định là khá "phí phạm". Ngoài nhập khẩu, việc mua nguyên liệu trôi nổi với chất lượng không ổn định cũng gây ra những rủi ro đối với doanh nghiệp.

Do đó, các bộ, ngành phải có chiến lược phối hợp với nhau trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề nguyên liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại. Việc thường xuyên tham gia các hội chợ trong và ngoài nước sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, nắm bắt được xu thế thị trường từ đó định hướng được sản xuất đúng và trúng.

Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, UBND Thành phố chỉ đạo tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 3/3/2022 của UBND thành phố về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2022-2025. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn thành phố phát triển, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bảo tồn làng nghề và phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung được UBND TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2022-2025.

Thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất. Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề.

Đánh giá tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực đối với phát triển ngành nghề nông thôn, trong định hướng giải pháp giai đoạn 2022-2025, Hà Nội sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề.

Cùng với đó, nghiên cứu triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, nhất là tại các làng nghề đang có xu hướng mai một...

Thùy Linh

Top