Nạn giả nhãn hiệu: Cần chế tài đủ mạnh

22/02/2023 1:14 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã bị các đối tượng làm giả hàng hóa, nhãn hiệu tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan chức năng cấp thiết phải có chế tài đủ mạnh để xử lý, răn đe.

Nạn giả nhãn hiệu: Cần chế tài đủ mạnh - Ảnh 1.

Kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế tại quận Đống Đa. Ảnh: VGP/HN

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, đơn vị này liên tiếp chuyển các vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định. Chỉ tính riêng Đội QLTT số 11 (địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai) đã chuyển tổng số 6 vụ việc kiểm tra có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra gồm: 4 vụ việc chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông, 1 vụ việc chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân; 1 vụ việc chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Oai.

Cụ thể, ngày 2/12/2022, Đội QLTT số 11 phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế - Công an quận Hà Đông Nội tiến hành kiểm tra cơ sở san chiết, sản xuất nước hoa tại địa chỉ No17-LK17-15 khu dọc bún 2, La Khê, Hà Đông, Hà Nội do ông N.H.H làm chủ cơ sở. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Ngoài ra, hàng hóa kinh doanh khác tại địa điểm kinh doanh gồm có: 160 chai nước hoa Club de mit dung tích 105ml/chai; 42 chai nước hoa Super macy dung tích 100ml/ chai, 270 chai nước hoa Nautica dung tích 100ml/ chai; 13 chai nước hoa Hana main dung tích 120ml/ chai; 11 chai nước hoa Acquadi dung tích 200ml/chai, 5 chai nước hoa Tom ford dung tích 100ml/chai…

Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh được chủ cơ sở mua trôi nổi ngoài thị trường để kinh doanh kiếm lời, toàn bộ hàng hóa không cùng lô, cùng date, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Tiếp đó, ngày 12/12/2022, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng 6 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an quận Hà Đông kiểm tra Cơ sở sản xuất, đóng gói thực phẩm; địa chỉ: Số 2, ngõ 6, đường Phúc Tiến, phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội do ông N.X.T làm chủ cơ sở.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh làm rõ hành vi vi phạm, nguyên liệu gồm có: 85kg bánh gạo không có nhãn hàng hóa; 750kg màng gói bánh in nhãn Vetrue để gói bánh (8g/chiếc); 1.015kg túi nilong in nhãn Vetrue để gói bánh (300g/túi); 1.300kg bao bì (thùng carton) in nhãn Vetrue…cùng hàng trăm thùng bánh gạo Nhật Bản Vetrue dán nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt Nam…

Toàn bộ số hàng hóa nêu trên ông N.X.T chủ cơ sở sản xuất, đóng gói thực phẩm không có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định.

Cùng ngày, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng 6 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm, địa chỉ: Số 5 ngách 79/15 đường Nghĩa Lộ, Tổ dân phố 5, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội do ông N.P.S làm chủ kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh làm rõ hành vi vi phạm. Vụ việc đã chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông.

Ngày 20/2, Đội QLTT số 4 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế-Công an quận Đống Đa tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế tại địa điểm kinh doanh số 110E2 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Qua kiểm tra đã phát hiện 100 hộp kim chích lấy máu thử tiểu đường (50 cái/hộp) nhãn chữ Sinocare, Made in China, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết tại cửa hàng là 5 triệu đồng; 1 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở mã CA 2000 nhãn chữ nước ngoài, không tem kiểm định.

Tiếp đó, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cửa hàng "Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế Sức khoẻ vàng", địa chỉ tại 73A Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện tại cơ sở bày bán 1 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn có chữ tượng hình mã CA 2000 với giá 1,5 triệu đồng/chiếc; 1 máy đo nồng độ cồn trong hơi thở Drive Safely với giá 250.000 đồng/ chiếc; 06 chiếc nhiệt kế hồng ngoại NITIKA, giá niêm yết tại cơ sở là 150.000 đồng/chiếc; 80 miếng dán giữ nhiệt Kichilachi được bán với giá 5.000 đồng/miếng…Toàn bộ số hàng hóa này đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định...

Qua các vụ việc trên có thể thấy hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều tình tiết tinh vi, hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm như sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để hàng nhái, hàng giả tràn lan, trong đó đặc biệt là mức xử phạt hành chính quá nhẹ, không thấm vào đâu so với mức lợi nhuận mang lại. Do vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, siết chặt cơ sở pháp lý để đưa các vụ liên quan hàng giả, hàng nhái ra xử lý hình sự nhằm răn đe.

Về phía công tác bảo vệ người tiêu dùng, hiện đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật dân sự cũng cho phép các chủ thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phải chứng minh được thiệt hại. Để làm được điều này, người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ hơn về quyền của mình, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi mua, yêu cầu xuất hóa đơn, chứng từ khi mua hàng và lưu giữ để có chứng cứ bảo vệ quyền lợi bản thân khi sản phẩm có vấn đề…

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không còn xa lạ, luôn gây nhức nhối trong cộng đồng người tiêu dùng. Quan trọng hơn, dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Do đó, cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn, các chế tài và những công cụ chính sách mạnh mẽ hơn để chấm dứt triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Với tinh thần kiên quyết trong đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới Cục QLTT TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiệm các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền và các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng Thủ đô.

Diệu Anh

Top