Nâng cao đời sống nhờ nguồn vay chính sách

07/06/2023 8:11 AM

(Chinhphu.vn) - Nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội đã giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Nâng cao đời sống nhờ nguồn vay chính sách - Ảnh 1.

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh làm thủ tục giải ngân vốn vay cho khách hàng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Điển hình như tại huyện Mê Linh, gia đình chị Phạm Thị Thu Chang (xã Tráng Việt) có hoàn cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng đã được địa phương quan tâm, bình xét cho vay vốn qua chương trình hỗ trợ tạo việc làm từ ngày 21/04/2022. Gia đình chị đã sử dụng vốn vào việc mở cửa hàng say xát, đến nay việc kinh doanh đã mang lại thu nhập ổn định và giúp cho đời sống kinh tế gia đình chị Chang ngày càng khấm khá.

Theo chị Vương Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tráng Việt, đơn vị luôn thực hiện tốt công tác truyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội về hoạt động tín dụng chính sách; thực hiện tốt các công việc nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội của huyện, tham gia trực giao dịch để tạo điều kiện cho các hộ vay được thuận lợi...

Tương tự tại xã Tam Đồng, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội Liên hiệp phụ nữ xã, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thu Phương ở thôn Văn Lôi đã vay và sử dụng nguồn vốn để đầu tư máy cắt gỗ, sửa chữa nhà xưởng. Đến nay, gia đình chị đã phát triển thành cơ sở sản xuất đồ nội thất, giải quyết việc làm cho 5 đến 9 lao động là hội viên, chồng, con, em hội viên trên địa bàn xã. Hàng năm, trừ đi các khoản chi phí gia đình chị Phương thu về khoảng 100 triệu đồng.

Tại xã Thạch Đà, thực hiện chỉ đạo của Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh, những năm qua, xã đã luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát tới các đoàn thể nhận ủy thác cũng như tới các thôn; thường xuyên rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn, đặc biệt là vốn vay hỗ trợ tạo việc làm. Theo lãnh đạo UBND xã Thạch Đà, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn xã ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ vốn vay cho người lao động và tạo đòn bẩy cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Nâng cao đời sống nhờ nguồn vay chính sách - Ảnh 2.

Cửa hàng say xát gạo của chị Phạm Thị Thu Chang tại thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Tính riêng nguồn vốn uỷ thác cho Đoàn Thanh niên xã Thạch Đà, đến nay Đoàn xã Thạch Đà đang nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện hơn 7 tỷ đồng cho 167 hộ vay thông qua 4 tổ Tổ Tiết kiệm và vay vốn (tăng 1 tổ so với năm 2022), chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Đoàn thanh niên xã và các tổ Tổ Tiết kiệm và vay vốn đang làm tốt công tác là cầu nối giữa người dân và Ngân hàng chính sách xã hội huyện, các hộ vay đang sử dụng vốn rất hiệu quả, đã có nhiều hộ gia đình, nhiều bạn trẻ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách ngay tại quê nhà.

Theo Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh Nguyễn Xuân Phong, tính đến hết tháng 5/2023, tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn huyện là 536,6 tỷ đồng với trên 10 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 30,9 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 99% kế hoạch năm 2023. Nguồn vốn vay đã giúp tạo việc làm mới cho 776 lao động; xây mới 463 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để các hộ dân có điều kiện sống tốt hơn; giúp 6 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập,... Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời phối hợp với các Hội đoàn thể ủy thác cho hội viên, đoàn viên vay vốn.Tính đến nay, dư nợ ủy thác cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh qua 4 Hội đoàn thể (Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đạt trên 520 tỷ đồng, với 266 Tổ Tiết kiệm và vay vốn…

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh tiếp tục thực hiện có hiệu quả, triển khai thành công chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước xây dựng địa phương.Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Đây là tiền đề quan trọng góp phần giúp Mê Linh hoàn thành tốt những chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Hay tại huyện Đông Anh, theo Giốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lương Việt Cường, tính đến nay, tổng dư nợ từ 10 chương trình cho vay của đơn vị là 579,494 tỷ đồng, với gần 12.600 khách hàng vay. Riêng năm 2023, số khách hàng vay vốn từ đầu năm là 1.975 khách, tổng số tiền là 84,140 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/5, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đông Anh đã có 333 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại 195 thôn, tổ dân phố. Thông qua việc vay vốn nên kinh tế của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Cũng chính vì vậy khách hàng vay đã thực hiện trả lãi và tiền gốc đầy đủ.  

Thiện Tâm

Top