Nâng cao hiệu quả sản xuất từ ứng dụng cơ giới hóa

10/08/2022 1:19 PM

(Chinhphu.vn) - Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích và giải phóng sức lao động, giúp cho bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống. Đồng thời giúp giảm chi phí ngày công, khắc phục tình trạng thiếu nhân công vào thời điểm chính vụ.

Nâng cao hiệu quả sản xuất từ ứng dụng cơ giới hóa - Ảnh 1.

Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo UBND TP. Hà Nội, với mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Theo đó, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đối với các cây chủ lực sẽ đạt 15% - 98%. Các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, cụ thể: Khâu làm đất là 98%, gieo cấy 15%, chăm sóc 60%, thu hoạch (lúa) 95%.../.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố Hà Nội có 5.676 máy làm đất, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 877 máy gặt đập liên hợp... Đến nay, cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100% diện tích đất nông nghiệp và diện tích lúa được thu hoạch bằng máy đạt 90%.

Trong các huyện trên địa bàn thành phố, huyện Phú Xuyên được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cơ giới hóa nông nghiệp. Nhiều địa phương có tới hơn 90% diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch...

Hay tại huyện Thạch Thất, đầu năm 2022, tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch của huyện đạt gần 100%, tưới tiêu đạt 95% diện tích canh tác. Năm 2021, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện 1 mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy tại xã Canh Nậu, quy mô 15.000 khay mạ, cấy diện tích 60ha lúa… Trong thời gian tới, huyện sẽ mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khâu làm đất, cấy và thu hoạch lúa. Đồng thời thực hiện thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ làm phân bón cho cây trồng và làm thức ăn cho gia súc ở các xã: Đại Đồng, Lại Thượng, Phú Kim, Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu, Bình Phú, Bình Yên, Tân Xã, Đồng Trúc, Yên Bình, Yên Trung.

Tích tụ đất đai đưa cơ giới hóa vào sản xuất

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phú Triều, huyện Phú Xuyên cho biết, xã Nam Triều là một xã thuần nông nằm ở phía Đông huyện Phú Xuyên, với tổng diện tích đất tự nhiên là 606,6 ha, trong đó đất nông nghiệp là 348 ha. Được sự chỉ đạo của Thành phố, huyện và xã, Hợp tác xã Phú Triều đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp từ những năm 2013. Bước đầu có gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của các thành viên nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã đã từng bước thành công.

Hợp tác xã Phú Triều là một trong những Hợp tác xã đi đầu trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, đơn vị đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất như: Triển khai vận dụng cơ chế hỗ trợ của Thành phố, của huyện để các thành viên đầu tư mua các loại máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, phối kết hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn sử dụng máy móc nông nghiệp cho các thành viên và hộ nông dân. Đồng thời tích cực thực hiện tích tụ tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng lớn, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Nhờ đó Hợp tác xã đã có nhiều thành viên đầu tư mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện các thành viên Hợp tác xã có 30 máy cấy 4 hàng, 4 máy cáy 6 hàng, thành viên tự làm mạ khay và thuê cấy máy (diện tích cấy máy cho các hộ thành viên và nhân dân toàn xã 260ha/286ha, chiếm 90% tổng diện tích gieo cấy), 4 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày đa năng thu hoạch lúa đạt 100% diện tích.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giảm chi phí ngày công khắc phục tình trạng thiếu nhân công vào thời điểm chính vụ. Hợp tác xã Phú Triều áp dụng đồng bộ cơ giới hoá vào sản xuất từ khâu máy làm đất, máy cấy, máy gặt. Từ đó, thành viên và các hộ nông dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công chuyển sang áp dụng cơ giới hoa với hình thức sản xuất tập trung cánh đồng mẫu lớn, liền vùng, liền thừa, cấy cũng trà, cùng giống.

Để dồn đổi thành vùng sản xuất rộng gần 15ha như hiện nay là có sự chỉ đạo sát xao của chính quyền địa phương. Đến nay có 10 hộ thành viên tự vận động, hợp đồng thuê lại ruộng các vùng xa, trũng, kém hiệu quả chuyển đổi thành mô hình 1 lúa 1 cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa 2 vụ.

Ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ: Nếu cấy thủ công, phải thuê từ 350.000 đồng đến 400.000 đồng/sào, áp dụng cấy bằng máy, mỗi sào chỉ chi phí hết 180.000 đồng - 200.000 đồng/sào (đã bao gồm cả giống lúa). Còn gặt tay, thuê nhân công chi phí hết 400.000 đồng são, áp dụng gặt máy chi phi hết khoảng 110.000d -120.000 đồng/sào mà còn giảm được công tuốt lúa. Chỉ riêng cấy, gặt, làm đất, khi áp dụng cơ giới hoá chỉ phí sẽ giảm 300.000 đồng/sào so với làm thủ công. Qua đó thấy được hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã đem lại lợi ích rất lớn cho thành viên và các hộ nông dân trong xã. Việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất thành cảnh đồng mẫu lớn từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo hưởng hàng hoá cho hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, thực tế hiện nay, cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, cấy, thu hoạch, vận chuyển. Trong khi đó, khâu gieo cấy được xem là khâu quan trọng, quyết định cho việc đảm bảo thời vụ, tăng năng suất, sản lượng thì tỷ lệ áp dụng vẫn chưa được cao. Mặc dù đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa những diện tích của một số hộ sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, địa hình đồng đất không đồng đều. Bên cạnh đó, một số đồng ruộng trũng, ngập nước, khó khăn cho việc sử dụng máy cấy, việc đào tạo bồi dưỡng công tác bảo quản và vận hành máy móc cho thành viên còn chưa được triển khai bài bàn, chủ yếu thành viên tự học hỏi.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất, các cấp chính quyền cần có chỉ đạo và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ nông dân thực hiện tích tụ đất đai, từ đó xây dựng diện tích sản xuất tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hoá kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào phục vụ sản xuất. Tiếp tục có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ lãnh đạo Hợp tác xã, tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã kiểu mới cho Hợp tác xã và thành viên.

Thiện Tâm

Top