Nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng

08/08/2022 4:30 PM

(Chinhphu.vn) - Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp nâng cao nhận thức của xã hội về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền của người tiêu dùng…

Nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng - Ảnh 1.

Quyền người tiêu dùng ngày càng được bảo đảm hơn. Ảnh: VGP/TL

Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với TP. Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương đã tiến hành 97 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt 11 đơn vị; tiếp nhận và xử lý 54 đơn kiến nghị phản ánh của người tiêu dùng. Việc giải quyết đơn thư đúng thời hạn, quy trình và không có đơn thư quá hạn, tồn đọng.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 84.000 vụ việc; tiếp nhận và xử lý 62 thông tin phản ánh qua hottline Quản lý thị trường và qua phương tiện thông tin đại chúng của người dân, người tiêu dùng.

Công an TP. Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện tổng số hơn 14.340 vụ liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính hơn 13.250 vụ và khởi tố gần 1.100 vụ gồm buôn lậu, buôn bán, vận chuyển tiền giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, buôn bán hàng cấm, buôn bán lương thực, thực phẩm giả…

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Công an Thành phố thường xuyên nâng cao chất lượng công tác chấp hành pháp luật, nhất là công tác điều tra tố tụng và tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đơn thư liên quan quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát trong truy tố, xét xử để răn đe tội phạm và phòng ngừa chung.

Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Thành phố triển khai biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường, thanh tra các Sở, ngành, địa phương…) tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tập trung đấu tranh các hành vi đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ… 

Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dữ trữ tăng cao để đầu cơ găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý; bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; ghi nhãn hàng hóa không đúng theo quy đinh pháp luật; trà trộn bán hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm thu lợi bất chính.

Đồng thời, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân, tháng hành động vì an toàn thực phẩm… tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.

UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai tuyên truyền phổ biến các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về Luật số 59/2010/QH12 của Quốc hội về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản của Thành phố về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… đến các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý và tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền vận động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ quy định sản xuất, kinh doanh, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền công tác bảo về quyền lợi người tiêu dùng và ý nghĩa của "Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam – 15/3" hằng năm thông qua đoàn thể chính trị - xã hội và hệ thống loa truyền thanh.

Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tiêu dùng, về tác hại của việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nâng cao nhận thức của xã hội về quyển và trách nhiệm của người tiêu dùng, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền của người tiêu dùng. Đặc biệt, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Hà Nội khi thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt chưa có cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả…

Do đó, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự có hiệu quả, TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét hướng dẫn thành lập bộ máy chuyên trách về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương đến địa phương; đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành tham gia công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Diệu Anh

Top